Những năm gần đây, khu vực Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân - Hà Nội) đang trở thành điểm nóng khi hàng loạt chung cư cao tầng chen chúc mọc lên làm chất tải hạ tầng đô thị.
Được phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 từ năm 2011, thế nhưng cho đến hiện tại, nhiều quy hoạch chi tiết các phân khu vẫn chưa được phê duyệt. Tình trạng chung cư nối tiếp chung cư mọc lên không kiểm soát khiến mật độ dân số tăng đột biến, nhiều khu vực tại quận Thanh Xuân trở nên quá tải.
Chung cư "chồng" chung cư
Con phố Nguyễn Tuân với 2 đầu nút giao Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương là một trong những “điểm đen” khi chỉ có chiều dài 1km, rộng chưa đến 7m nhưng theo ghi nhận thực tế, con đường này đang ngày ngày gồng gánh hàng chục chung cư cao tầng, mỗi giờ cao điểm đều trở thành nỗi ác mộng cho mỗi ai phải đi qua đây.
Từ nút giao Nguyễn Trãi đi vào, bắt gặp ngay dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân của chủ đầu tư Công ty CP BĐS Mùa Đông - VID. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 22.602m2 gồm 4 tòa nhà cao từ 27 đến 35 tầng, quy mô 1.500 căn hộ với tổng mức đầu tư 2.898 tỷ đồng. Đây vốn dĩ là đất sau di dời nhà xưởng của Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông.
Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân có quy mô tới 832 căn hộ, được phê duyệt cấp phép ban đầu nhà dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên TransercoCũng được xây dựng trên đất sau di dời nhà xưởng của xí nghiệp nhà nước, cách đó không xa là dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân của chủ đầu tư Công ty CP đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7. Dự án bao gồm 919 căn hộ, với 87 căn liền kề và thấp tầng, 832 căn hộ chung cư.
Vốn dĩ dự án được duyệt ban đầu là Dự án nhà ở với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), thế nhưng sau quy trình thủ tục và sự cho phép của UBND TP. Hà Nội, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Transerco đã trở thành dự án nhà ở thương mại.
Dự án Thống Nhất Complex gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, quy mô 552 căn hộ
Kế bên, chung cư Thống Nhất Complex với tổ hợp liền kề, trung tâm thương mại trên diện tích gần 18.000m2 đất của Nhà máy xe đạp Thống Nhất (Công ty TNHH Thống Nhất). Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, quy mô 552 căn hộ.
Tiếp đến là dự án chung cư Imperia Garden với 1.632 căn hộ, dự án The Legend của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đại Việt Trí Tuệ với 460 căn hộ... Ngoài ra, xung quanh trục đường này còn có hàng loạt dự án nằm rải rác như dự án Việt Đức Tower, Làng sinh viên Hancinco, tòa nhà HUD Tower…
Đường chưa mở, chung cư tiếp tục mọc
Có thể thấy, nếu tính trung bình mỗi căn hộ ở các dự án trên có 3 – 4 người ở, sau khi các dự án được lấp đầy, dân số tại khu vực này có thể tăng lên hàng chục nghìn dân, tương đương với tổng dân số của cả một phường. Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua người dân tại khu vực này đã luôn phải chịu cảnh tắc đường bất kể giờ cao điểm hay giờ bình thường, tệ hơn là tình trạng ngập úng ngày một nặng nề mỗi khi có mưa lớn.
Ngày 12/5/2018, ghi nhận trận mưa lịch sử khiến hàng loạt chung cư ở khu vực phố Nguyễn Tuân và các phố lân cận bị ngập nặng, tầng hầm tất cả các chung cư đầy nước, xe cộ “chết chìm” trong nước khiến người dân lao đao.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hệ quả ngập úng ngoài nguyên nhân lượng mưa lớn thì việc quy hoạch hàng loạt cao ốc dày đặc ở đây đang đẩy hệ thống hạ tầng, trong đó hệ thống thoát nước không theo kịp.
Có thể bạn quan tâm
12:30, 26/03/2020
07:00, 10/07/2019
11:00, 03/06/2019
04:00, 07/06/2019
10:40, 01/06/2019
17:57, 30/05/2019
Chưa kể, các khu chung cư ở đây hầu hết được chuyển đổi từ nhà máy xí nghiệp, thậm chí là các vùng trũng, ao hồ này được san lấp đi để xây dựng nhà cao tầng nên không còn chỗ thoát nước.
“Trong khi đó chúng ta chưa có quy chuẩn cho từng khu vực mà chỉ có quy hoạch chung Thủ đô, nên khi thực hiện quy hoạch mạnh ai người đấy làm, không có sự đồng bộ với hệ thống hạ tầng thành phố, chất tải quá nhiều chung cư làm quá tải hạ tầng” – KTS Phạm Thanh Tùng nhận định.
Đáng chú ý, con phố này đã có kế hoạch mở rộng đường giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, năm 2018, UBND quận Thanh Xuân cũng đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội cho quận sử dụng nguồn lực ngân sách quận đầu tư mở rộng đường Nguyễn Tuân dài 720m, mặt cắt rộng 21m với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Dự kiến, tuyến đường sẽ được tiến hành giải phóng mặt bằng và sẽ thực hiện hoàn chỉnh dự án vào giữa năm 2020. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế, đến nay công tác triển khai dường như vẫn án binh bất động.
Đường chưa mở, nhưng xung quanh khu vực này tiếp tục mọc lên nhiều toà chung cư cao tầng khác như dự DLC Complex Nguyễn Tuân - Chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư BĐS DLC, dự án Legacy Tower 106 Ngụy Như Kon Tum...
Các chuyên gia đánh giá, việc triển khai mở rộng phố Nguyễn Tuân cũng như các tuyến đường huyết mạch xuyên tâm cần được triển khai nhanh chóng, đồng bộ để giảm áp lực hạ tầng, giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Ngoài ra, cần bổng sung quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có thể quản lý chặt chẽ quy hoạch, xây dựng, kiểm soát mật độ, tránh biến các tuyền đường huyết mạch trở thành "điểm đen" của TP.