Sau TP HCM, ngày 25/3, Hà Nội đã ra quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ kinh doanh quán bar, massage, karaoke, rạp chiếu phim, sân vận động để hạn chế sự lây lan dịch COVID-19.
Cụ thể, trong công văn UBND thành phố Hà Nội gửi Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ghi rõ, tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người... để hạn chế việc tụ tập đông người trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng cần thiết như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Đồng thời, hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người khác. Người đứng đầu thành phố khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình...
Có thể bạn quan tâm
10:30, 24/03/2020
09:51, 24/03/2020
16:43, 23/03/2020
11:10, 22/03/2020
10:10, 22/03/2020
Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người. Các trung tâm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố tạm thời không đón khách tham quan để phun khử khuẩn vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Trước đó, thành phố từng một lần yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí đóng cửa đến hết tháng 3/2020. Tuy nhiên, thành phố không nêu rõ yêu cầu đóng cửa cả các quán bia, tụ điểm ăn uống, phòng tập thể hình như tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể thấy, sau khi trở thành địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 nhất với 43 trường hợp và cũng là địa phương đầu tiên có nhân viên y tế bị nhiễm, chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp quyết liệt hơn trong việc phòng chống dịch.
Hiện nay, các biện pháp rà soát, xét nghiệm, tổ chức cách ly tất cả người nước ngoài, người Việt Nam đã nhập cảnh vào Hà Nội đang được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đẩy mạnh thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về các biện pháp phòng, chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng, thực hiện giãn cách xã hội; chủ động thông tin về kết quả điều trị, các ca tiến triển triển tốt, các ca mắc bệnh nặng để tránh hoang mang trong xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực y tế đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Mê Linh nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu mức độ 3 theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của thành phố, trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ cho các cán bộ phòng, chống dịch, dứt khoát không để y tá, bác sĩ bị lây nhiễm chéo.
Về phía các Sở, ban ngành của thành phố, Sở Y tế Hà Nội cũng nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc mua trang thiết bị phương tiện, vật tư, kit thử, sinh phẩm y tế, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Các đơn vị tập trung xét nghiệm nhanh, chính xác, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng để cách ly kịp thời.
Sở Công thương Hà Nội cũng đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly, luôn sẵn sàng nguồn lực, cơ sở vật chất phòng cho trường hợp xấu nhất.
Trên tinh thần "Chống dịch như chống giặc", thời gian vừa qua và nhất là trong 2 tuần tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng đề nghị toàn thể nhân dân Thủ đô bình tĩnh, hạn chế ra ngoài và tiếp tục dốc sức cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.