Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó mức phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng.
Theo dự thảo Nghị quyết này, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trong đó, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Cụ thể, đối với hành vi khởi công xây dựng công trình thiếu mặt bằng xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, biện pháp đảm bảo an toàn, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Khung phạt 2 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.
Phạt tiền 12 - 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo.
Với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, khung phạt tiền từ 40 - 120 triệu đồng. Phạt tiền lên tới 240 triệu đồng đối với nhà ở không phù hợp với quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng, sai cốt xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, khu di tích lịch sử...
Không những vậy, đối với nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng công trình mà chủ đầu tư công trình đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Nghị quyết này sẽ bị phạt tiền từ 160 - 240 triệu đồng.
Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị mức phạt lên tới 2 tỷ đồng đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự xây dựng mà vẫn tiếp tục sai phạm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên ngành của Sở này đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.
Tuy số lượng vi phạm giảm nhưng mức độ và hình thức vi phạm diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường hơn. Thậm chí các dự án còn có tình trạng tái vi phạm sau khi bị xử phạt.
Đơn cử, mới đây dự án Phương Đông Green Park của chủ đầu tư Công ty TNHH MTV đầu tư Phương Đông một lần nữa nhận "án phạt" 40 triệu đồng của quận Hoàng Mai vì tổ chức thi công, xây dựng công trình sai nội dung được duyệt trong giấy phép xây dựng. Trước đó, tháng 2/2018, dự án đã bị đình chỉ, xử phạt vì chủ đầu tư thi công khi chưa có giấy phép xây dựng.
Theo Luật sư Trần Cao Ngãi - Hội Luật gia Việt Nam, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác phải phối hợp với Thanh tra xây dựng xử lý vi phạm trật tự xây dựng, thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền… “Việc xử phạt hành chính chưa có sức răn đe; việc kỷ luật cá nhân là cán bộ, lãnh đạo chính quyền cơ sở đã làm cho công tác quản lý trật tự xây dựng tốt lên nhưng cần đưa thêm cả chế tài hình sự để xử lý thì mới ngăn chặn được tình trạng này”, ông Ngãi khẳng định. |
Có thể bạn quan tâm
Phía sau thực trạng vi phạm trật tự xây dựng: Pháp luật đã được thực thi?
04:50, 11/09/2020
Loạn vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM
05:00, 08/09/2020
Bộ Xây dựng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng
16:05, 23/06/2020
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 2): Lẩn khuất bóng dáng “nhóm lợi ích”
11:05, 19/02/2020
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 1): Chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim”
11:01, 18/02/2020