UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở QHKT, giao BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP phối hợp với Hội KTS Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (đơn vị tổ chức thi tuyển) và Công ty cổ phần Him Lam (đơn vị tài trợ kinh phí thi tuyển) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật kiến trúc.
Trước đó, ngày 28/9, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi, làm rõ, qua đó đề xuất triển khai thực hiện tiếp việc tuyển chọn (hoặc thi tuyển) phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
TS-KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI) nghiên cứu đề xuất các phương án về kiến trúc cầu là chưa hợp lý, mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín (kể cả quốc tế).
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét hai phương án: Tổ chức thi tuyển rộng rãi (thời gian thực hiện khoảng 2,5 tháng và có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế) hoặc nếu tiếp tục thực hiện tuyển chọn thì mời các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế đề xuất thêm các phương án thiết kế kiến trúc để tuyển chọn bổ sung. Hội sẵn sàng tham gia để lựa chọn được phương án tối ưu.
Đồng quan điểm, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất thành phố tổ chức thi tuyển rộng rãi theo quy định của Luật Kiến trúc và đề nghị của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, phương án này có ưu điểm là thu hút được nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo của nhiều đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho Hội đồng chấm tuyển có nhiều lựa chọn phương án tối ưu, đáp ứng mong muốn của dư luận, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, cầu Trần Hưng Đạo là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia 4.204 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện năm 2022-2025.
Dự án có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Giữa tháng 7/2021, trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương" là một trong ba phương án thiết kế đã đạt điểm số cao nhất.
Tuy nhiên, thiết kế “xứ Đông Dương” đã khiến dư luật đặt ra những ý kiến trái chiều. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng hội KTS Việt Nam cho rằng, Hà Nội phát triển là vì đây là thành phố của hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thành phố của thời đại mới chứ không phải của xứ Đông Dương xưa. Kiến trúc cầu Trần Hưng đạo phải được tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn ra cây có kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng, thể hiện được tư tưởng thời đại chứ không chỉ là việc “nhại cổ” như thiết kế “xứ Đông Dương”.
Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng của Hà Nội cũng cho rằng, ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng.
"Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai nên không thể lựa chọn theo cách áp đặt. Cho nên chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân" - ông Nghiêm bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm