UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, trong đó có phương án quy hoạch thêm 2 thành phố, quy mô dân số đến 2045 khoảng 4,45 triệu người.
>>Cần chính sách phát triển doanh nghiệp Thủ đô
Theo Tờ trình này, TP đã bước đầu định hình hướng phát triển 2 TP mới của Hà Nội ở phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai).
Với TP phía Tây, UBND TP Hà Nội đề xuất phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi. Định hướng là TP khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại, sinh thái, cao - thấp tầng.
Trong đó, TP phía Tây có quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116km2, dân số khoảng 0,12 triệu người.
TP phía Tây định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao với những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. TP Hà Nội sẽ có những chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp đến làm việc và sinh sống.
Đô thị Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ. Một phần TP này dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hoá phẩm phục vụ cho Hà Nội, khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng thời hình thành đô thị thông minh, TP khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với TP phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) được định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân – Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh. Một số khu vực ở TP phía Bắc sông Hồng được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp.
Vị trí đề xuất trung tâm TP dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…
TP phía Bắc dự kiến khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Theo các chuyên gia, các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô.
>>Giải pháp cho đường sắt tốc độ cao: Đô thị ăn theo đường sắt
Tuy nhiên, Hà Nội cần lưu ý đến quy hoạch phải lường trước nguồn lực để đầu tư. Tránh việc “vẽ xong rồi để đấy”. Để khi người dân đã di dời khỏi nội thành nhưng vẫn phải tập trung về đây để làm việc. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở.
KTS Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TW Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp.
Để làm được điều đó, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành. Theo ông Tùng, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), nhưng các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.
TS KTS Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng: Dưới góc độ quy hoạch, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, việc sửa đổi, điều chỉnh và cập nhật Luật Thủ đô cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị.
Có thể bạn quan tâm