Hà Nội: Tự nguyện thi hành án vẫn bị cơ quan chức năng… “cản trở”

GIA NGUYỄN 16/05/2021 04:20

Mặc dù tự nguyện chấp hành thi hành án dân sự sau phán quyết của Tòa, thế nhưng, trường liên cấp Newton vẫn bị các cơ quan chức năng “cản trở”, kéo dài thời gian thi hành…

Gửi đơn tố cáo tới Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch HĐQT Trường liên cấp Newton (trường Newton) có địa chỉ tại Khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: Bản án số 215/2020/KDTM-PT của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội có hiệu lực thi hành ngày 30/11/2020 về giải quyết tranh chấp giữa trường Newton với Công ty CP Đầu tư phát triển Giáo dục TDS Việt Nam. Trong đó, trường Newton phải thanh toán số tiền 14 tỷ 237 triệu đồng và nhận lại toàn bộ trang thiết bị trường học đã đầu tư tại 1/2 tòa nhà tại lô TH1, Khu đô thị Cổ Nhuế…

Đơn tố cáo của Phó Chủ tịch HĐQT trường liên cấp Newton gửi cơ quan báo chí - Ảnh: Gia Nguyễn

Đơn tố cáo của Phó Chủ tịch HĐQT trường liên cấp Newton gửi cơ quan báo chí - Ảnh: Gia Nguyễn

Bên cạnh đó, bản án số 215/2020/KDTM-PT cũng kết luận “kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm (26/11/2019), người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chưa thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015”.

Với tư cách là người phải thực hiện thi hành án sau phán quyết của Tòa, trường Newton đã có đơn yêu cầu được thi hành án theo những phán quyết đã nêu, sau khi có Quyết định Thi hành án số 510/QĐ-CCTHADS ngày 14/12/2020, trường Newton đã nộp đủ số tiền là 15 tỷ đồng cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm.

Thế nhưng, từ một bản án đơn giản, ông Chu Quang Tiến – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội lại ban hành những văn bản gây khó, kéo dài thời gian việc chấp hành thi hành án của trường Newton với lý do, “trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp”, theo khoản 5 Điều 146, Luật Thi hành án dân sự(?).

Cũng theo nội dung cầu cứu của trường Newton, thực trạng trên không chỉ đi ngược lại với những quy định của pháp luật hiện hành, mà còn gây ra những ảnh hưởng đến công tác đào tạo, giảng dạy của nhà trường, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Bích Dung cho biết: Việc Cục Thi hành án dân sự Hà Nội gây khó và kéo dài thời gian chấp hành thi hành án của trường Newton đang gây những ảnh hưởng lớn cho nhà trường, ngoài chi phí phát sinh lãi theo phán quyết của Tòa, chúng tôi còn đang thiệt hại hàng chục tỷ đồng do toàn bộ tài sản của nhà trường không được đưa vào khai thác sử dụng, bên cạnh đó, là hàng nghìn học sinh ở các cấp nhà trường đang đào tạo không được học tập, rèn luyện…

Việc gây khó và kéo dài thời gian thi hành án của trường Newton không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của trường này mà còn gây ảnh hưởng đến việc dạy và học tại nhà trường - Ảnh: Gia Nguyễn

Việc gây khó và kéo dài thời gian thi hành án của trường Newton không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế mà còn đe dọa đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh tại ngôi trường này - Ảnh: Gia Nguyễn

Cũng theo bà Dung, mặc dù nhà trường và các phụ huynh cũng có nhiều kiến nghị, tố cáo đến các cơ quan chức năng TP. Hà Nội, thế nhưng, đến nay, nhiều tháng trôi qua, vụ việc này vẫn chưa được thụ lý giải quyết.

Được biết, căn cứ để ông Chu Quang Tiến – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội ra văn bản gây khó cho việc thi hành án của trường Newton được xác định do Công ty CP Đầu tư phát triển Giáo dục TDS Việt Nam và Công ty TNHH Khai Phát có đơn khiếu nại Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm căn cứ vào mỗi đơn yêu cầu thi hành án của trường Newton để ra Quyết định Thi hành án số 510/QĐ-CCTHADS ngày 14/12/2020 khi 02 doanh nghiệp này chưa có ý kiến(?).

Không chỉ có vậy, dư luận cũng đặc biệt quan ngại khi tại sao các bên có quyền và lợi ích liên quan không có kiến nghị, khiếu nại khi Quyết định Thi hành án số 510/QĐ-CCTHADS được ban hành vào tháng 12/2020 mà phải đợi 3 tháng sau, khi đã hết hiệu lực kiến nghị, khiếu nại mới thực hiện?

Những bất thường của vụ việc ở đâu? Tại sao khi được đảm bảo quyền và lợi ích liên quan theo phán quyết của Tòa án một cách tự nguyện, các bên có quyền lợi lại vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian hưởng lợi của mình?

Xin được nhắc lại, bản án số 215/2020/KDTM-PT đã kết luận “kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm (26/11/2019), người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chưa thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015”. Phải chăng, càng kéo dài thì quyền lợi của Công ty CP Đầu tư phát triển Giáo dục TDS Việt Nam và Công ty TNHH Khai Phát càng tăng?

Diễn đàn Doanh nghiệp xin chuyển những phản ánh này tới các bên liên quan để tìm câu trả lời và sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Có thể bạn quan tâm

  • Ninh Bình: Công ty Minh Thoa khởi kiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư

    Ninh Bình: Công ty Minh Thoa khởi kiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư

    11:40, 17/10/2020

  • Cục Thi hành án dân sự Ninh Bình phản hồi việc “bức tử” doanh nghiệp

    Cục Thi hành án dân sự Ninh Bình phản hồi việc “bức tử” doanh nghiệp

    11:05, 25/09/2020

  • Ninh Bình: Chi cục Thi hành án Hoa Lư “bức tử” doanh nghiệp?

    Ninh Bình: Chi cục Thi hành án Hoa Lư “bức tử” doanh nghiệp?

    11:01, 24/09/2020

  • Doanh nghiệp “tố” bất thường trong chấm thầu tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn

    Doanh nghiệp “tố” bất thường trong chấm thầu tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn

    11:30, 02/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Tự nguyện thi hành án vẫn bị cơ quan chức năng… “cản trở”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO