Sau 1 năm kêu gọi đầu tư dự án nhà máy nước sạch tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bất thành khiến hơn 30.000 hộ dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, nước chưa qua xử lý…
Nhiều năm nay, hàng chục ngàn hộ dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng hoặc trông chờ từ nguồn nước mưa để phục vụ sinh hoạt. Để hạn chế phèn, hầu hết các gia đình đều xây bể bê tông để trữ nước mưa ăn uống, còn nước giếng khoan chỉ phục vụ tắm rửa, giặt giũ. Người dân sống trong cảnh lo lắng, bất an bởi bệnh tật ngày càng nhiều.
Là xã trung tâm của huyện Kỳ Anh, nhưng nhiều năm nay người dân xã Kỳ Đồng vẫn phải dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa để nấu ăn, tắm giặt. Dòng nước giếng bơm lên vàng khè, có mùi tanh, dù đã qua bể lọc nhưng quần áo, vật dụng trong nhà đều bị phèn nhuộm vàng sau thời gian ngắn sử dụng. Do nguồn nước không đảm bảo khiến nhiều người dân nhất là trẻ nhỏ thường xuyên bị bệnh ngoài da, mẩn ngứa.
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Kỳ Đồng) cho hay, nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn rất nặng, gia đình đã nhiều lần thuê thợ về khoan giếng nhưng đều thất bại do khoan cạn thì gặp nguồn nước nhiễm phèn mà khoan sâu hơn lại gặp nước nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, anh Hòa phải xây bể xi măng lắp hệ thống lọc nước để bơm giếng khoan lên dùng và cứ vài tháng anh phải thay tấm vải màn mới. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ có thể sử dụng vào việc tắm rửa, giặt giũ, còn nước phục vụ nấu ăn và uống phải mua bình lọc ở các cửa hàng.
"Mùa đông còn bớt lo vấn đề nước chứ vào mùa hè, nhất là thời điểm hạn hán nước mưa cạn khô, chúng tôi phải mua bình nước lọc về phục vụ ăn uống. Dù tốn kém nhưng cũng đành chấp nhận bởi nếu sử dụng nước giếng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng hiện địa phương vẫn chưa được giải quyết”, anh Hòa cho hay.
Không riêng gì xã Kỳ Đồng mà gần như toàn bộ các xã của huyện Kỳ Anh với khoảng hơn 30.000 hộ dân đang gặp tình trạng thiếu nước sạch tương tự. Được biết, hiện Kỳ Anh hiện có 36.000 hộ dân nhưng chỉ có 2.000 hộ dân thuộc xã Kỳ Hoa và Kỳ Châu nằm gần thị xã Kỳ Anh nên có nước sạch sử dụng.
Nhiều hộ dân ở các xã vùng thượng Kỳ Anh như Kỳ Lạc, Kỳ Thượng... đã tự bỏ tiền, hoặc 4-5 gia đình góp kinh phí mua chung đường ống nhỏ dài hàng nghìn mét dẫn nước từ suối đưa về bể lọc đặt tại nhà. Một số người kinh tế khó khăn thì tự túc, đưa thùng nhựa lên suối múc nước gánh về dùng.
Nhận thấy nhu cầu nước sạch trên địa bàn huyện Kỳ Anh vô cùng bức thiết, năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước sạch huyện Kỳ Anh và các xã phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 1 năm vẫn chưa có nhà đầu tư nào “nhòm ngó” dự án nhà máy nước sạch này.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, hiện hơn 30.000 hộ dân chiếm 94% dân số trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. “Chính quyền địa phương đã lên phương án xây dựng hai nhà máy nước sạch đặt tại xã Kỳ Đồng và Kỳ Lạc, trong đó nhà máy ở Kỳ Lạc chờ xin ngân sách tỉnh, nhà máy còn lại kêu gọi xã hội hóa song chưa có nhà đầu tư quan tâm”, ông Hải chia sẻ.
Còn ông Trần Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh lại cho rằng, kinh phí xây dựng một nhà máy cấp nước sạch cho khoàng 60.000 dân là khoảng 180.000 tỷ đồng. Đối với các vùng nông thôn như huyện Kỳ Anh thì giá nước chỉ khoảng 3.600 đồng/m3.
“Trong khi tâm lý của người dân vùng nông thôn ít chú trọng sử dụng nước sạch. Nước sạch chủ yếu chỉ phục vụ ăn uống, còn các hoạt động khác đều tận dụng nguồn nước giếng. Vì vậy để thu hút được nhà đầu tư, địa phương cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang tìm phương án tối ưu để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch tại huyện Kỳ Anh”, ông Hoài thông tin.
Có thể bạn quan tâm