Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh có hệ thống giao thông kết nối khu vực và quốc tế, có cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Cùng với đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh trong việc xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch, trong nhiều năm qua, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư.
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã và đang thức dậy tiềm năng về hệ thống cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, phát huy lợi thế các trục giao thông huyết mạch Nam - Bắc, các hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 12.343 tỷ đồng. Trong tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng (64,8 triệu USD). Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vinhomes đang đề xuất đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng quy mô gần 1000ha, với tổng số vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng và nhiều nhà đầu tư lớn khác đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào Hà Tĩnh.
Ông Phan Thành Biển, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển dần thu hút đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, tạo liên kết chuỗi sản xuất…đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo đó, lĩnh vực công nghiệp, tỉnh khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch, ưu tiên các dự án dịch vụ thuộc lĩnh vực trọng điểm được xác định trong thời kỳ quy hoạch. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng lớn. Lĩnh vực hạ tầng đô thị - nhà ở, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Cũng theo ông Phan Thành Biển, tỉnh khuyến khích các dự án đầu tư có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát huy lợi thế so sánh, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững, giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng. Theo đó, đối với nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp có thương hiệu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; đối với các nhà đầu tư trong nước thuộc tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, đặc biệt có chuyên môn trong đầu tư các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics…
“Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, hỗ trợ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Xúc tiến đầu tư một cách chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Hà Tĩnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Phan Thành Biển thông tin.
Có thể bạn quan tâm