UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đổ 8,7 triệu m3 vật liệu thải tại 56 vị trí trên địa bàn tỉnh.
>>Chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam: Vì sao nhà thầu hào hứng với cơ chế đặc thù?
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua tỉnh Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng với tổng chiều dài 102,5 km đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư dự án là 20.230 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban quản lý dự án 6 (cùng Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Theo tính toán của chủ đầu tư, trong quá trình thi công 3 dự án thành phần trên cần 56 vị trí để làm bãi chứa 8,7 triệu m3 vật liệu thải (không phải chất thải nguy hại). Đồng thời có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh về việc đề xuất các bãi đổ vật liệu thải trong quá trình thi công.
Sau quá trình rà soát, kiểm tra, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (cùng Bộ GTVT) đổ 8,7 triệu m3 vật liệu thải (không phải là chất thải nguy hại) trong quá trình thi công công trình tại 56 vị trí của 6 huyện, thị xã trên địa bàn có tuyến cao tốc đi qua.
Trong đó, Ban QLDA Thăng Long – chủ đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng sẽ đổ 5,8 triệu m3 vật liệu thải tại 52 vị trí thuộc các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Ban QLDA 6 - chủ đầu tư cao tốc Bắc – Nam đoạn Vũng Áng – Bùng sẽ đổ 2,9 triệu m3 vật liệu thải tại 4 vị trí thuộc huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu sơ đồ, tọa độ gắn với bản đồ địa chính các vị trí khu vực đất dự kiến làm bãi chứa vật liệu thải nêu trên; cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ GTVT và UBND tỉnh về tính chính xác khối lượng đổ vật liệu thải đề xuất, đảm bảo thành phần tính chất vật liệu thải không phải chất thải nguy hại, không thể sử dụng cho dự án.
Trường hợp vật liệu thải không thích hợp để san lấp cho dự án đường cao tốc nhưng đảm bảo làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cụ thể với tỉnh và thực hiện việc quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản.
Trước khi tiến hành đổ vật liệu thải, phải lập các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đất đai (nếu có) theo quy định của pháp luật; thông báo đến cơ quan liên quan về kế hoạch, thời gian, phương tiện tham gia vận chuyển vật liệu thải.
Thực hiện việc đổ vật liệu thải trong phạm vi diện tích ranh giới cho phép và trong giới hạn cao độ đổ của từng bãi chứa nêu trên, đảm bảo vệ sinh môi trường (trong quá trình bốc xúc, vận chuyển phải đúng tải trọng và đổ đúng vị trí được chấp thuận, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường), an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ theo quy định.
Thực hiện việc bồi thường GPMB và cam kết sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường, tài sản của địa phương phục vụ việc đổ vật liệu thải, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính chất, chức năng các quy hoạch được phê duyệt của khu đất đổ thải và các khu đất xung quanh.
Ông Phạm Hữu Tình, Trưởng phòng Môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay: “Sau khi xác định 56 vị trí đổ vật liệu thải, tỉnh đã giao các sở và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và phối hợp, hướng dẫn Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 6 tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, khối lượng chất thải rắn xây dựng từ 3 dự án thành phần cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh rất lớn. Do đây cũng là nguồn tài nguyên nên chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư xem xét việc tận dụng phù hợp trong quá trình thực hiện dự án”.
Có thể bạn quan tâm
Formosa Hà Tĩnh “bền bỉ” trách nhiệm xã hội
23:58, 19/05/2022
Sovico và HDBank trao tặng kinh phí xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa cho tỉnh Điện Biên
04:00, 19/05/2022
Hà Tĩnh: Bất động sản "hạ nhiệt", bán cắt lỗ không có người mua
01:00, 19/05/2022
“Bế tắc” trạm kiểm dịch động vật ở Hà Tĩnh
11:23, 06/05/2022