Nhiều năm lại nay, bưởi Phúc Trạch được xem là giống cây chủ lực góp phần thoát nghèo cho người dân vùng miền núi huyện Hương Khê. Loại cây đặc sản này được trồng nhiều tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô...
Trước đây, những vườn bưởi ở đây được người dân chăm bón, cho thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng như ong, bướm… Tuy nhiên, việc thụ phấn này tỷ lệ đậu quả rất hạn chế.
Để tăng khả năng đậu quả, thời điểm cây ra hoa người dân sẽ tiến hành thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch. Việc thụ phấn được thực hiện bằng cách lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường.
Sau tết Nguyên đán là lúc hoa bưởi nở rộ, người dân bắt đầu công việc thụ phấn. Từ người già đến trẻ nhỏ đều ra vườn thụ phấn cho hoa bưởi, nhà trồng nhiều thì thuê thêm người.
Theo người dân, phương pháp này tuy đơn giản nhưng phải tỉ mỉ và kiên trì. Hoa bưởi để thụ phấn phải lấy hoa từ cây bưởi khác dòng như bưởi chua sau đó chấm vào từng đài của hoa cái.
Cứ mỗi vườn bưởi đường phải trồng thêm một cây bưởi chua để lấy hoa thụ phấn bổ sung cho cả vườn.
Trong quá trình làm họ sáng tạo ra những dụng cụ khá tiện ích, cắt chai nhựa buộc dây đeo vào cổ để đựng hoa bưởi đực. Hoa ở cành cao không trèo được, ngoài việc dùng thang thì có thể dùng cây sào buộc chổi rồi châm hoa đực vào đó để thụ phấn cho những chùm hoa trên ngọn và ở những cành cao.
Gia đình bà Đinh Thị Thanh (xã Hương Trạch) có hơn 300 gốc bưởi. Do hoa nở chỉ trong vòng vài tuần (khoảng 10 - 15 ngày) nên để kịp thụ phấn hết vườn bưởi này bà phải thuê thêm người làm với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày.
Theo bà Thanh, bình thường không thụ phấn thì tỉ lệ đậu quả chỉ đạt 30%, còn thụ phấn như này thì đạt 80% nhưng cũng tùy theo thời tiết. Sau khi thụ phấn được khoảng hơn 1 tháng sẽ cắt bỏ bớt quả bưởi không đạt. Năm nay thời tiết rất thuận lợi, mưa ít nên hoa nở nhiều và dễ thụ phấn hơn.
Những nhụy hoa chua được ngắt hết các cành, để lại nhụy vàng bên trong có phấn hoa để thụ phấn bưởi.
Hương Khê hiện có hơn 2.000 ha bưởi Phúc Trạch. Năm 2002, bưởi Phúc Trạch được công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Đến năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phúc Trạch.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Cụm công nghiệp tăng cường phòng dịch, nỗ lực sản xuất ngay từ đầu năm
04:14, 25/02/2021
Hà Tĩnh: “Phố” vàng bạc nhộn nhịp ngày vía Thần Tài
11:59, 21/02/2021
Hà Tĩnh: Ông giáo già lưu giữ hơn 4.000 cổ vật quý hiếm
04:14, 21/02/2021