Hàng tấn ốc biển không thể tiêu thụ bị ngư dân thải loại được chất thành đống dọc bờ biển xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bốc mùi hôi thối.
Những ngày qua, người dân thôn 1, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) phải hứng chịu mùi hôi từ hàng tấn ốc biển thải loại do ngư dân đổ ngay tại bến thuyền. Đặc biệt do thời tiết nắng nóng, số lượng ốc bị đổ bỏ bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bám khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Số ốc này chủ yếu là vỏ sò, vỏ ốc và ốc nhỏ thải loại do ngư dân đánh bắt về nhưng không tiêu thụ được.
Một người dân sống gần khu vực này phản ánh: “Sau khi phân loại, số lượng lớn vỏ ốc được các chủ tàu thuyền đổ ngay bên bờ biển. Do ốc chất thành từng đống lâu ngày, phân hủy, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín bay vào tận nhà. Mấy ngày nay cuộc sống của cả gia đình đảo lộn, một số gia đình buộc phải gửi con đi nơi khác vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ”.
Theo nhiều ngư dân, thời điểm này đang vào mùa khai thác ốc dùi (hay còn gọi là ốc xoắn, ốc đinh) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho ngư dân Cẩm Lĩnh. Mỗi ngày tại bến cá xã Cẩm Lĩnh có hơn 100 tàu thuyền thường xuyên ra vào đánh bắt thủy hải sản. Trung bình mỗi tàu đi khai thác mang về hàng tấn ốc dùi, thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ngày.
“Sau khi mỗi chuyến khai thác ốc, trước khi bán cho thương lái các chủ thuyền sẽ tiến hành phân loại. Ốc dùi loại to sẽ được bán cho thương lái với giá trên 10.000 đồng/kg. Các loại vỏ sò, vỏ ốc chết và một phần ốc dùi nhỏ bị thải loại sẽ được tập kết thành từng đống và được đổ tràn lan dọc bờ biển đoạn đi qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh”, một người dân cho hay.
Do lượng khai thác ốc lớn, số ốc thải loại lại được ngư dân đổ trực tiếp bên bờ biển lâu ngày không được thu gom nên ốc chất thành từng đống, có nơi dày đến 1m. Cứ đến mùa khai thác ốc xoắn tình trạng này lại diễn ra, tuy nhiên, việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn do các tàu thuyền khai thác ốc dùi chủ yếu về ban đêm và sáng sớm.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh thừa nhận việc người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường ở khu vực cảng cá là chính xác. “Những bãi ốc này chủ yếu do ngư dân đổ trộm nên rất khó quản lý. Địa phương đang làm việc với các chủ thuyền và sẽ huy động lực lượng thu gom, xử lý những bãi ốc này trong thời gian sớm nhất”, ông Vinh nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm