Hàng chục héc ta rừng ngập mặn chắn sóng ven biển ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) bỗng dưng bị chết khô. Hiện ngành chức năng Hà Tĩnh đang xác định nguyên nhân và tìm giải pháp trồng rừng thay thế.
>>Rừng ngập mặn Hạ Long - Cẩm Phả "kêu cứu"
Rừng ngập mặn, phòng hộ dọc ven biển xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được trồng từ những năm 1994, chủ yếu là cây mắm, đước, vẹt… Rừng có vai trò rất lớn trong việc tạo cảnh quan môi trường sinh thái ven biển. Ngoài ra, đây còn là nơi trú ẩn cho tàu thuyền của ngư dân, chắn sóng, triều cường, bảo vệ tuyến đê biển Hải Hà Thư.
Theo người dân địa phương, trước đây, rừng ngập mặn khu vực này phát triển xanh tốt, rậm rạp, đứng trên đê nhìn xuống không thấy người đi lại trong rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt cây rừng ngập mặn với các kích thước khác nhau bị khô héo rồi chết dần với diện tích ngày càng lớn.
Ghi nhận tại khu vực rừng phòng hộ ven biển xã Kỳ Hà, một diện tích lớn rừng phòng hộ đã bị rụng lá, trơ gốc. Một số cây bị sóng đánh bật chất thành từng lớp cao dọc thân đê, rác thải quấn quanh gốc cây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà cho biết, rừng ngập mặn phòng hộ dọc ven biển ở xã Kỳ Hà chủ yếu là mắm, đước, vẹt được trồng cách đây khoảng 30 năm. “Năm nào cũng có cây chết nhưng chỉ một diện tích rất nhỏ nhưng từ năm 2021 đến nay, diện tích rừng bị chết ngày càng lớn và có chiều hướng lan rộng. Hiện ngành chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân”, ông Luyện nói.
Cũng theo ông Luyện, địa phương đã báo cáo sự việc lên UBND thị xã Kỳ Anh và các ngành chức năng với mong muốn sớm làm rõ nguyên nhân để có biện pháp bảo vệ số diện tích cây rừng còn lại, có kế hoạch khôi phục số diện tích cây đã chết.
Ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho hay, qua kiểm tra xác định có khoảng 25/43ha cây rừng (chiếm 60%) tại lô số 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B thuộc thôn Tây Hà và Bắc Hà, xã Kỳ Hà bị chết khó có khả năng phục hồi. Qua kiểm tra xác định số cây này chết từ tháng 1/2022, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Nhìn bằng mắt thường thì toàn bộ cây bị trụi lá hoàn toàn, cành bị khô, gãy và bong tróc vỏ ngoài, rễ khí sinh bị thối, khô héo. Quá trình kiểm tra không phát hiện các loài côn trùng gây hại cho cây.
Hiện Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh mời chuyên gia lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là chuyên gia về rừng ngập mặn, khảo sát, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân để sớm có phương án tổ chức trồng thay thế số diện tích cây rừng ngập mặn đã bị chết.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc diện tích rừng ngập mặn bị chết tại địa bàn xã Kỳ Hà. Đồng thời đề xuất tỉnh mời các cơ quan đầu ngành về rừng về xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết hàng loạt.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hà Tĩnh cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt để phát triển bền vững
00:44, 12/06/2022
Hà Tĩnh: Nguy cơ ảnh hưởng đường dây 500kV từ nhà máy gạch công suất lớn nhất tỉnh
00:06, 10/06/2022
“Báo động đỏ” dự án rác thải Hà Tĩnh
13:54, 08/06/2022
"Nhếch nhác" dự án hơn 200 tỷ án ngữ “đất vàng” Hà Tĩnh
09:00, 07/06/2022