Tỉnh Hà Tĩnh vừa có tờ trình gửi Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đổi gần 24,5 ha rừng để làm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.
Theo đó, diện tích có rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II, Hà Tĩnh (gồm các hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường ống xả nước làm mát, đường vào nhà máy, khu cực hệ thống nước làm mát, trạm bợm, khu vực tổ hợp thiết bị 2) là 24,42ha. Dự án ảnh hưởng đến diện tích đất của các xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh.
Trong đó có 9,95ha rừng phòng hộ, 9,31ha rừng sản xuất và 5,16ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Cộng đồng thôn quản lý 1,08ha, hộ gia đình quản lý 23,34ha.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng công suất nguồn phát từ nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu phát điện vào mùa khô. Nhà máy nhiệt điện đốt than với tổng công suất lắp máy 1.320 MW, là loại công trình công nghiệp năng lượng cấp I.
Tại tờ trình, báo cáo thẩm định của Sở Công thương Hà Tĩnh và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, dự án đã được Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thẩm tra ngày 30-7-2010, việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phụ tải của hệ thống điện Việt Nam giai đoạn sau năm 2015, đảm bảo việc phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý giữa các miền, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất và giá thành sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ…
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,2 tỉ USD, công suất 1.320 MW, đầu tư theo hình thức BOT, nằm trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Năm 2011, dự án bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng, san lấp một số diện tích.
Năm 2009, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng II (Công ty VAPCO) được chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT gồm 3 cổ đông với tỉ lệ góp vốn: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hồng Kông) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.
Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển nhượng, cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại 40% cổ phần tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II. Hiện tại, "ông lớn" Mitsubishi cùng với 1 doanh nghiệp ngành điện của Nhật Bản đang nắm giữ 60% cổ phần còn lại tại VAPCO.
Đối với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, tờ trình cho biết dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II tại thị xã Kỳ Anh phù hợp với điều chỉnh quy họach sử dụng đất đến năm 2020 của địa phương, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thị xã Kỳ Anh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.
Dự kiến, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng 8,529 GWh/năm cho nhu cầu phụ tải điện của Việt Nam. Đối với Thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, đóng góp khoảng 300 tỉ đồng/năm vào ngân sách địa phương.
Có thể bạn quan tâm