Năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) còn ngập chìm trong thua lỗ thì kết thúc 2017, tập đoàn của bầu Đức đã “lật ngược thế cờ”, báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng, nợ phải trả cũng đã giảm được hơn 1.023 tỷ đồng trong năm qua.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ( HAGL - mã HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 với nhiều thông tin tài chính khả quan.
Trái cây trở thành "trái ngọt"
Theo báo cáo quý IV/2017, doanh thu thuần HAG đạt hơn 1.160 tỷ đồng, giảm 35,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng kinh doanh mới là trái cây có đóng góp lớn nhất chiếm tỷ trọng 33,82% đạt 392,26 tỷ đồng với việc đưa vào thu hoạch hơn 2.000 ha cây ăn trái. Mảng cung cấp dịch vụ cho thuế và dịch vụ khác cũng mang về 481 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng so với quý IV/2016 nhờ tăng dịch vụ cho thuê dự án khu phức hợp HAGL – Myanmar.
Tuy nhiên, doanh thu bán bò lại giảm mạnh còn 102 tỷ đồng (giảm 737 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016). HAGL cho biết, thời gian này, HAGL thiếu vốn lưu động để tài trợ cho ngành bò, chỉ duy trì đàn bò ở mức dùng để tận dụng nguồn phân cung cấp cho mảng nông nghiệp.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý IV của HAGL đã giảm 640 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016, đạt 1.160 tỷ đồng.
Với giá vốn hàng bán trong kỳ giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ nên HAGL có lợi nhuận gộp 588,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gộp hơn 26 tỷ đồng).
Cả năm 2017, doanh thu từ trái cây của HAGL Agrico đạt 1643 tỷ đồng, mang về 893 tỷ đồng lợi nhuận gộp tương ứng với biên lãi gộp đạt 54,4%.
Triển vọng tương lai
Hai năm 2015, 2016 HAG liên tục chịu lỗ do thị trường cao su và dầu cọ sụt giảm giá, lợi nhuận từ mảng kinh doanh thịt bò không khởi sắc, HAGL đã lâm vào cảnh bế tắc buộc phải cầu cứu chính phủ và được cơ cấu lại nợ từ các ngân hàng. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức đã dần "thoát hiểm" nhờ phát triển mạnh mảng trái cây.
Trái cây trở thành mảng đầu tư mới nhằm tạo ra dòng tiền nhanh để lấy ngắn nuôi dài, vươn lên dẫn đầu tỉ trọng đóng góp doanh thu với hơn 49%, tương đương 1.642 tỉ đồng. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp từ các loại trái cây như chuối, chanh dây, ớt… hơn 893 tỉ đồng.
Hiện trái cây của công ty chủ yếu cung cấp cho chuỗi cửa hàng bách hóa theo hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp với Thế Giới Di Động. Một số sản phẩm khác cũng được xuất khẩu và góp mặt trên kệ siêu thị ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc và Campuchia.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang cân nhắc mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới như Canada, Hàn Quốc… trong thời gian tới, đồng thời đầu tư mạnh cho hệ thống kho lạnh và vận chuyển.
Trong năm trước, các khoản vay là vấn đề đau đầu của HAGL. Vào tháng 11/2017, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) - Chủ tịch HĐQT HAGL đã phải bán 23 triệu cổ phiếu HAG để làm tài sản đảm bảo hỗ trợ công ty tái cơ cấu các khoản vay. Tổng cộng bầu Đức đã dùng gần 145 triệu cổ phiếu HAG làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là trái phiếu cho các trái chủ gồm Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Bắc Á, BIDV, HDBank, VPBank.
Tới cuối tháng 12/2017, HAGL cũng đã đăng ký bán ra 8,5 triệu cổ phiếu HNG cũng để cơ cấu các khoản nợ của doanh nghiệp này.
Trong năm 2017, HAGL Agrico đã ký hợp đồng chuyển nhượng khoản vay và hoán đổi nghĩa vụ trả nới với HAG và các cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thanh Quang và bà Vũ Thị Thuý Hương (là trái chủ của các trái phiếu HAG với tổng giá trị 697 tỷ VND). Theo đó, số dư nợ vay phải trả cho HAG tương ứng đã giảm đi 687 tỷ đồng, đồng thời khoản phải trả ngắn hạn khác đã tăng lên một số tiền tương ứng. Ngoài ra, việc bán vốn tại nhà máy mía đường cũng giúp HAGL Argico giảm được thêm một số nợ đáng kể.
Theo cáo cáo tài chính mới được công bố, chi phí lãi vay của HAGL đã giảm đáng kể (từ 453 tỷ đồng giảm còn 387 tỷ đồng). Đồng thời, khoản lỗ ròng cũng giảm mạnh ở mức gần 50 tỷ đồng, đây là mức lỗ thấp hơn nhiều so với khoản lỗ 1.093 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản HAG gần 53.444,5 tỷ đồng, tăng hơn 1.318 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 571 tỷ đồng, còn hàng tồn kho giảm 538 tỷ đồng từ hơn 1.798 tỷ đồng xuống hơn 1.259 tỷ đồng.
Nợ phải trả của HAG giảm hơn 1.024 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn giảm đáng kể 2.683 tỷ đồng, tương ứng giảm 46,93% so với cuối năm trước; vay dài hạn cũng giảm 1.833 tỷ đồng, tương ứng giảm 8,48% so với cuối năm trước.
Được biết, sau báo cáo tài chính khả quan trên, cổ phiếu HAG đã hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,4% và đóng cửa tại mức giá 8.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 15,5 triệu đơn vị.