Ngay từ những ngày đầu xuân Nhâm Dần, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã chủ động thích ứng, bắt tay vào sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các đơn hàng đã ký kết và mở rộng thị trường.
>>>Doanh nghiệp trẻ Hải Dương "vượt bão" COVID-19 như thế nào?
>>>Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp để phát triển kinh tế
Bước sang năm 2022, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá", phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 10%. Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế này, vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2022, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để đảm bảo sản xuất an toàn, hầu hết doanh nghiệp đều tổ chức test nhanh sàng lọc COVID-19 cho người lao động trước khi vào làm việc. Đơn cử tại công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam, hơn 900 công nhân đã đến sớm hơn nửa giờ so với ngày thường để xét nghiệm. Để bảo đảm giãn cách, doanh nghiệp này tổ chức xét nghiệm theo từng tổ sản xuất.
Còn tại công ty CP May Việt Trí, từ ngày 5/2, hơn 1.000 công nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm trước khi vào làm việc. Trước đó, công ty đã rà soát và xác định không có F0 và F1. Trước khi vào làm việc, toàn bộ công nhân đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế. Ngoài ra, công ty tổ chức cho công nhân ăn trưa theo ca, có vách ngăn.
Không chỉ chủ động, thích ứng linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn tập trung đầu tư công nghệ, kỹ thuật; đồng thời tiếp cận, mở rộng thị trường mới; đặc biệt là xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực.
Theo ông Trần Văn Dũng - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính công ty CP RedstarCera chia sẻ, trong năm 2022, công ty dự kiến thay thế đầu in, thanh in thuộc máy in kỹ thuật số của dây chuyền sản xuất số 2; lắp đặt cân điện tử 120 tấn, máy đóng gói tự động và mua sắm một số thiết bị phục vụ sản xuất. Ngoài ra, công ty đang lên kế hoạch xem xét việc đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất gạch porcelain CS với công suất khoảng 3 triệu m2/năm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và sản xuất ra các sản phẩm có kích thước lớn hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lĩnh - Giám đốc Kinh doanh và dịch vụ Showroom VinFast Bình Bảo Minh, năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu phân phối 1.200 xe ô tô động cơ xăng và điện. Để phục vụ dòng xe ô tô động cơ điện, VinFast đã hoàn tất lắp đặt 13 trạm sạc với công nghệ sạc nhanh trên toàn tỉnh Hải Dương. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục bổ sung lắp đặt thêm trạm sạc trong năm 2022 này.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, gây khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm… song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã vượt khó, nỗ lực đạt những cột mốc mới trong sản xuất.
Theo ông Chen Shu Ming - Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên trong KCN của tỉnh Hải Dương bùng phát dịch COVID-19, là ổ dịch lớn nhất Việt Nam vào đầu năm 2021. Sau thời gian loay hoay, khắc phục hậu quả nặng nề của dịch COVID-19, công ty đã rút ra được những kinh nghiệm để có thể phát triển vững vàng hơn, chủ động trong hoạt động sản xuất, thích nghi với dịch bệnh. Từ tháng 4/2021 đến nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu trên 18 triệu sản phẩm loa, dây dẫn, tương đương với thời kỳ trước khi xuất hiện dịch COVID-19. Mục tiêu xuất khẩu của công ty trong năm 2022 là 54 triệu USD và công ty sẽ quyết tâm đạt được kế hoạch này.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất liên tục trong năm 2022, ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khẳng định: “Tỉnh Hải Dương luôn đồng hành với doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp thúc đẩy, mở rộng sản xuất, đầu tư”.
>>>Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương nỗ lực “vượt bão" COVID-19
>>>Hải Dương: Vượt bão COVID để về đích sớm
Cũng theo ông Thăng, tỉnh Hải Dương phải làm tốt công tác thu hút đầu tư FDI. Đồng thời kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án lớn. Tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp ngay trong tháng 2/2021.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm nay để đạt kết quả cao hơn năm qua; thực hiện tốt các chiến lược, mục tiêu phát triển đã đề ra trong năm 2022. Đồng thời, đẩy mạnh cải tiến, ứng dụng công nghệ để sản xuất an toàn, hiệu quả, giảm thiểu sử dụng điện, nước và tác động đến môi trường; quan tâm chăm lo đời sống công nhân, người lao động; đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi 3, trong đó quan tâm tiêm vaccine cho người lao động.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá 2010) của tỉnh đạt 8,6%; cao thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 4/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tính chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,2%. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng như ô tô tăng gần gấp 2,93 lần, điện sản xuất tăng 52,7%; sắt, thép các loại tăng 21% so với cùng kỳ... Năm 2021, thu ngân sách nội địa của tỉnh lập đỉnh mới với hơn 18.300 tỷ đồng, vượt 67% dự toán năm, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tổng thu nội địa có thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn 4.400 tỷ đồng, vượt 59% dự toán năm, tăng 36% so với năm trước đó. Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng góp vào ngân sách hơn 3.987 tỷ đồng, vượt 60% dự toán năm; tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. |
Có thể bạn quan tâm