Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp trong cải cách hành chính, xây dựng hạ tầng công nghiệp, tỉnh Hải Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư.
>>>Hải Dương cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất cho Tập đoàn CJ
>>>Hải Dương: Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động sau tết
Giúp doanh nghiệp giải quyết hạn chế
Do đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam chuyên sản xuất cần câu cá, quy mô 1 triệu sản phẩm/năm tại cụm công nghiệp (CCN) Đoàn Tùng là một minh chứng điển hình.
Theo ông Tseng Chi Kai, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ tích cực của địa phương trong giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục hành chính nên đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhà máy kịp tiến độ, đi vào hoạt động đầu năm 2020. UBND huyện Thanh Miện còn chủ động cung cấp địa chỉ email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự hỗ trợ đó mà trong 2 năm (2020-2021), bất chấp đại dịch COVID -19 sản lượng cần câu tiêu thụ của công ty có bước tăng đáng kể, khoảng 100.000 sản phẩm/tháng. Hiện công ty có 500 công nhân, lao động, tăng 300 lao động so với ban đầu, mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng”.
Được UBND tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh hỗ trợ, trong năm 2021 Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam, chủ đầu tư hạ tầng KCN Cộng Hòa, đã giải quyết dứt điểm những hạn chế kéo dài. Đó là đóng cửa triệt để bãi chứa rác thải sinh hoạt Cộng Hòa và di chuyển nghĩa trang nhân dân khu Tiền Định. Hiện tổng vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật KCN Cộng Hòa đạt hơn 800 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, hàng chục nhà đầu tư thứ cấp đã tới nghiên cứu, thương thảo với chủ đầu tư KCN Cộng Hòa để thuê đất sản xuất, kinh doanh. KCN Cộng Hòa đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh Hải Dương khẳng định: "Hải Dương luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm”.
>>>Hải Dương: Hướng đi nào cho ngành nông nghiệp?
>>>Hải Dương: Triển khai xây dựng hạ tầng 6 khu công nghiệp
Thực hiện phương châm đó, suốt 1 năm qua, các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Như vụ việc tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Ford Việt Nam về đề nghị Bộ Công thương cấp giấy phép dây chuyền sản xuất ô tô Ford Ranger đã được đối tác ghi nhận sâu sắc. Lãnh đạo tỉnh đã cùng với Ford Việt Nam kiến nghị Chính phủ rà soát và sớm ban hành quyết định gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp ô tô được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, được Chính phủ chấp thuận tiếp tục cho thực hiện Chương trình này tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021. Với những việc làm cụ thể như trên Ford đánh giá rất cao sự đồng hành của tỉnh, đồng thời quyết định năm 2022 sẽ đưa thêm một dòng xe ô tô nữa về sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương, ông Thăng nói!
Chú trọng xây dựng hạ tầng công nghiệp
Theo ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh Hải Dương: Hải Dương là tỉnh đi đầu cả nước trong việc bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, chỉ đạo tháo gỡ, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Thiệu, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam cho biết: Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại của giai đoạn I, đáp ứng tốt nhất cho các doanh nghiệp vào KCN đầu tư sản xuất để sớm triển khai giai đoạn II.
Nằm cạnh quốc lộ 18, KCN Cộng Hòa thu hút các nhà đầu tư thứ cấp bởi có vị trí trung tâm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng. Hiện tỷ lệ lấp đầy của KCN này đạt gần 60%. KCN Cộng Hòa đã được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giai đoạn II mở rộng thành 410 ha để tăng quỹ đất sản xuất công nghiệp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng ký túc xá, các công trình văn hóa, thể thao phục vụ người lao động trong KCN này.
Để thu hút các dự án chất lượng, giá trị gia tăng cao, Hải Dương ưu tiên cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 khu công nghiệp (KCN), 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Trong năm 2021, Hải Dương hoàn thiện hạ tầng 6 KCN mới với tổng diện tích 1.176 ha, cùng với một số cụm công nghiệp được thành lập. Tính chung, tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh hiện có và sẵn sàng thu hút đầu tư là trên 2.000 ha.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh quy hoạch 15 KCN với tổng diện tích đất công nghiệp trên 10.000 ha; đặc biệt, tỉnh Hải Dương đang quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, vị trí kết nối nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô. Phạm vi quy hoạch khoảng 10.000 ha, trong đó: gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics. Đồng thời, tỉnh cũng đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại Hải Dương với nhiều ưu đãi.
Có thể nói, Hải Dương đã sẵn sàng dư địa về hạ tầng để thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động, giá thuê mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố tích cực để mời gọi các nhà đầu tư.
Bí thư tỉnh ủy Hải Dương đã từng cam kết mỗi nhà đầu tư đến với Hải Dương không những yêu mến, mà còn là “sứ giả” lan tỏa, quảng bá hình ảnh của Hải Dương ra bên ngoài. Tỉnh luôn trân trọng và đồng hành cùng doanh nghiệp, sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm