Chậm phân bổ chi tiết vốn đầu tư công là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân. Vấn đề này càng "nóng" hơn mỗi khi được mang ra “mổ xẻ”, bởi chậm phân bổ vốn cũng là lãng phí.
Còn nhiều dự án chưa đủ điều kiện phân bổ vốn
Theo quy trình của Luật Đầu tư công (ĐTC), sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, việc phân bổ chi tiết tới các chương trình, dự án sẽ do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện. Đây là khâu rất quan trọng để bảo đảm tiến độ và hiệu quả giải ngân.
Tuy nhiên trong nhiều năm qua, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện. Hầu hết các địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định. Công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh còn 90 dự án ĐTC chưa đủ điều kiện phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn hằng năm.
Cụ thể, 27 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa có quyết định đầu tư với tổng kế hoạch vốn trung hạn 4.313 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn hằng năm. 30 dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 là 5.553 tỷ đồng. 33 dự án bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện, tổng vốn dự kiến 2.312 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn trung hạn.
Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch vốn ĐTC năm 2023, nhiều dự án được giao vốn khi chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, dẫn đến chậm trễ giải ngân, thậm chí không giải ngân được đồng nào do chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Để có đủ điều kiện được phân bổ vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả triển khai so với tiến độ được lập, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có). Với cơ quan quản lý chuyên ngành phấn đấu rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt dự án ít nhất là 50% thời gian so với quy định.
Dự kiến phân bổ 1.759 tỷ đồng cho 9 dự án đầu tư công
Mới đây, tại phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 3) đã xem xét phân bổ hơn 1.759 tỷ đồng vốn trung hạn 2021-2025 cho 9 dự án đầu tư công.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh phương án phân bổ 1.759 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho 9 dự án.
Đó là các dự án xây dựng: cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn thuộc tuyến đường vành đai I (TP Hải Dương); một số đoạn đường gom phía bắc quốc lộ 5 (Kim Thành); hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Cơ sở dữ liệu, lao động việc làm; nâng cấp hệ thống truyền thanh, thông tin cơ sở. Đền thờ liệt sĩ tỉnh Hải Dương. Phục hồi suối Côn Sơn; cải tạo, sửa chữa Bảo tàng tỉnh; Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao thuộc Khu liên hợp văn hoá thể thao tỉnh.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu phân bổ 185 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 2 dự án khởi công mới, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển Hải Dương và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.
Ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2024, tỉnh cơ bản đồng ý.
Theo đó, ông Bản đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn ĐTC. UBND tỉnh sẽ căn cứ vào các điều kiện chuẩn bị đầu tư để phân bổ vốn chi tiết cho các dự án, không để xảy ra tình trạng “xin-cho” vốn ĐTC. Việc khẩn trương phân bổ, điều chỉnh vốn ĐTC nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các địa phương.
Được biết, tại Phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 3) UBND tỉnh Hải Dương cũng xem xét, thảo luận về dự thảo quy định các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993, diện tích đất được phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.
Dự thảo quyết định ban hành quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa, diện tích tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Tờ trình đề nghị phân bổ kế hoạch ĐTC vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2024 thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Về đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình nhà ở xây thô thuộc khu đô thị Phú Quý (Goldenland), TP Hải Dương (giai đoạn 1).
Những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục trong triển khai thực hiện các khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch và định hướng triển khai thực hiện các khu công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh. Kết quả rà soát Dự án Xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (Kim Thành). Cải tạo nhà làm việc 3 tầng, sửa chữa nâng cấp nhà để xe thành nhà làm việc, cải tạo công trình phụ trợ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hải Dương.
Với mục tiêu năm 2024, tiếp tục dành vốn ĐTC, mới đây HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025.
Tổng vốn ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2025 của Hải Dương dự kiến 26.786,9 tỷ đồng. Trong đó vốn trong nước là 26.525,2 tỷ đồng, vốn nước ngoài 261,7 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách Trung ương năm 2025 dự kiến là 1.084,4 tỷ đồng để bố trí cho 5 dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới.
HĐND tỉnh Hải Dương cũng thống nhất dừng thực hiện 2 dự án trong kế hoạch vốn ngân sách Trung ương 5 năm 2021-2025 (nguồn trong nước) đã giao là 95,2 tỷ đồng và điều chỉnh giảm hết kế hoạch vốn để bổ sung vốn cho dự án đã có trong kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Đồng thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 5 năm 2021-2025 là 916,5 tỷ đồng.
Việc các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn ĐTC được giao đã cho thấy sự quyết tâm trong thực hiện ĐTC để đưa nền kinh tế phát triển. Bởi vốn đã được giao, giờ là thời điểm để các sở, ban, ngành, chủ đầu tư bắt tay vào việc thực hiện để tạo ra các khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn.