Hải Dương: Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm đầu ra cho nông sản

HẢI NGÂN 26/06/2021 09:33

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Dương đã chủ động nguồn nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp, đồng hành cùng nông dân từng bước đưa nông sản địa phương ra thế giới.

Năm 2021, tổng sản lượng các loại hoa quả của Hải Dương ước đạt 260.000 tấn. Trong đó, có khoảng 65.000 tấn ổi, 55.000 tấn vải quả, 15.000 tấn na và 125.000 tấn các loại trái cây khác. Trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ các loại nông sản này được cho là bài toán khó đối với chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp.

Thời điểm đầu năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại đây đã rơi vào cảnh “điêu đứng” do không đảm bảo được nguồn hàng, thời gian giao hàng. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Hải Dương lại tiếp tục bước vào vụ thu hoạch vải thiều, để tránh tình trạng hàng hoá nông sản bị tồn đọng như thời điểm đầu năm, tỉnh Hải Dương đã lập tức xây dựng kế hoạch, phương án kết nối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong, ngoài nước để đồng hành cùng nông dân tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản của địa phương.

Lô vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cập bến Nhật Bản vào ngày 17/6 vừa qua

Lô vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cập bến Nhật Bản vào ngày 17/6 vừa qua

Để các mặt hàng nông sản có thể vươn xa, Hải Dương cùng với các bộ, ngành tạo thương hiệu cho từng sản phẩm. Các lô vải, ổi được trồng chăm sóc theo quy trình diện tích sản xuất tiêu chuẩn quốc tế và GlobalGAP. Trong đó, diện tích sản xuất theo VietGAP là 6.300ha; diện tích được cấp chứng nhận GAP là 1.000ha. Diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu khoảng 8.000ha.

Đặc biệt, thời điểm tháng 5, 6, Hải Dương bước vào vụ vải. Để đảm bảo cho quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Hải Dương đã tạo điều kiện cho hơn 30 đầu mối thu mua, sơ chế đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, kho lạnh để sơ chế hoa quả; xây dựng các phòng khử trùng đảm bảo hoa quả vô trùng khi xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Mỹ,...

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu là thách thức lớn đối với địa phương. Do vậy, để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn; thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Để tiếp cận khách hàng, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức”, ông Thăng khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty CP Ameii Việt Nam, trong quá trình tìm kiếm vùng nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, nông sản Hải Dương được xác định có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; đặc biệt là vải thiều Thanh Hà. Do vậy, trong thời gian tới, công ty cam kết sẽ tập trung nguồn lực để đồng hành cùng nông dân Hải Dương đưa nông sản của tỉnh đến với thị trường quốc tế.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2021, tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức song song trực tiếp và trực tuyến đến 31 điểm cầu trong, ngoài nước. Nhiều mặt hàng như: vải thiều, miến, hành, tỏi, cà rốt tươi, cà rốt thái lát, rượu, bánh đậu xanh… cũng được các doanh nghiệp Việt giới thiệu đến các đối tác nước ngoài.

Tại các điểm cầu nước ngoài, phía đối tác đều khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương hàng hoá thì việc các bên chủ động hợp tác đã giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nông sản được thuận lợi. Trong đó, phía các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ nhu cầu nhập khẩu vải thiều tươi và hàng nông sản từ Hải Dương; các sản phẩm phải có chất lượng được quy hoạch theo vùng trồng và được cấp mã số truy xuất nguồn gốc xuất xứ theo vùng trồng đã được quy hoạch.

Về phía các nhà nhập khẩu Đức lại có yêu cầu hàng nông sản không được dùng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; sản phẩm phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về chất lượng bảo quản hàng hoá; thành phần kim loại nặng có trong hàng nông sản phải dưới 10mg/kg sản phẩm.

Còn với các doanh nghiệp Hàn Quốc thì lại quan tâm và mong muốn nhập vải cấp đông từ Việt Nam và các sản phẩm nông sản khác như: cà rốt tươi, cà rốt thái lát sấy, ớt, hành, tỏi từ các doanh nghiệp của tỉnh hải Dương.

Công nhân công ty CP Ameii Việt Nam đóng hộp vải tươi Hải Dương xuất khẩu

Công nhân công ty CP Ameii Việt Nam đóng hộp vải tươi Hải Dương xuất khẩu

Ngay sau hội nghị, hàng nghìn tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Úc… và được thị trường đón nhận.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Hà Thanh Tùng (người Việt đang sinh sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản) cho biết, vải thiều được đóng trong hộp và bán trên kệ siêu thị Nhật với giá 1.650 yen/ kg, tương đương khoảng 350.000 đồng/kg. Ngày đầu vải thiều cập bến Nhật Bản, tôi đã mua về để anh chị em ở văn phòng cùng thưởng thức. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày sau, khi muốn mua thêm, tôi đã đi khoảng 10 siêu thị nhưng không siêu thị nào còn hàng.

Chị Vân Anh - chủ siêu thị Thanh Hùng (thành phố Spijkenisse, Nam Hà Lan) cho biết, siêu thị đã kinh doanh vải Trung Quốc từ nhiều năm nay với chất lượng không bằng vải Việt Nam. Với lô hàng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được siêu thị giới thiệu tới khách hàng vào ngày 19/6, với mức giá 18euro/kg và được khách hàng rất đón nhận. Chị Vân Anh cũng bày tỏ mong muốn có nguồn hàng ổn định, chất lượng đồng đều vào mỗi vụ vải hàng năm để mặt hàng này được duy trì bán tại Hà Lan.

Tại Hải Dương, ngoài việc tập trung cho việc xuất khẩu mặt hàng vải thiều, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đưa ra phương án nhằm ứng phó với đại dịch. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thay vì chú trọng vào một sản phẩm như trước, giờ đây đã tìm sản phẩm mới, thị trường mới để xuất khẩu theo mùa vụ.

Theo đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nông sản lớn ở tỉnh Hải Dương, thời gian qua, công ty đã đa dạng hóa, tìm sản phẩm mới để xuất khẩu theo từng mùa vụ thay vì chú trọng vào một sản phẩm. Hiện nay, công ty không chỉ xuất khẩu cà rốt mà còn xuất khẩu chuối, vải thiều; sắp tới là ớt tươi, nhãn... Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, Malaysia, Dubai, Hàn Quốc,… công ty cũng đã mở rộng thị trường sang Anh và Hà Lan.

Hy vọng, với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đổi mới phương thức kinh doanh như hiện nay của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nông sản Hải Dương sẽ tiếp tục thâm nhập tốt vào thị trường nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • Vải thiều Thanh Hà đến 150 đầu mối bán lẻ khắp nước Nhật

    Vải thiều Thanh Hà đến 150 đầu mối bán lẻ khắp nước Nhật

    23:25, 17/06/2021

  • EVFTA – “Bệ phóng” cho vải thiều Hải Dương đến EU

    EVFTA – “Bệ phóng” cho vải thiều Hải Dương đến EU

    02:18, 09/06/2021

  • Vải thiều Hải Dương chuyển mình vươn xa

    Vải thiều Hải Dương chuyển mình vươn xa

    18:09, 18/05/2021

  • Vải thiều Hải Dương lên 4 sàn thương mại điện tử

    Vải thiều Hải Dương lên 4 sàn thương mại điện tử

    10:38, 30/04/2021

  • 20 tấn vải thiều Hải Dương xuất khẩu sang Thái Lan

    20 tấn vải thiều Hải Dương xuất khẩu sang Thái Lan

    18:44, 06/06/2021

  • Vải thiều Hải Dương thấp thỏm vì COVID - 19

    Vải thiều Hải Dương thấp thỏm vì COVID - 19

    05:00, 15/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm đầu ra cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO