Hải Dương sẽ kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, còn các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan sẽ có giải pháp tháo gỡ.
>>>Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ ở đô thị biển Cửa Lò
>>>Quảng Ninh: Siết chặt quản lý dự án chậm tiến độ
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng tại cuộc họp thường kỳ tháng 4, kỳ 2.
72 dự án chậm tiến độ
Theo báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, qua rà soát, trong số 91 dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp tại địa bàn Hải Dương thì có tới 72 dự án chậm tiến độ. Trong đó, có 36 dự án chưa được bàn giao đất, chủ yếu do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai (29 dự án), 7 dự án còn lại do nhà đầu tư có khó khăn về tài chính.
Đối với 36 dự án đã được bàn giao đất có 19 dự án chưa triển khai hoặc mới san lấp, xây dựng tường bao một phần, 17 dự án đã được nhà đầu tư triển khai xây dựng và mới đưa một phần dự án vào hoạt động.
Việc nhiều dự án chậm triển khai, bị bỏ hoang là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn, gây bức xúc trong dư luận củ người dân tỉnh Hải Dương. Trước thực tế này, cử tri tỉnh Hải Dương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, bên cạnh đó tỉnh Hải Dương cũng có nhiều văn bản đề nghị thu hồi các dự án không triển khai. Điển hình là dự án nhà máy chế biến – tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty cổ phần Vinamit bị bỏ hoang suốt 15 năm qua.
Từ năm 2007, 35ha đất nông nghiệp của người dân nằm giáp ranh giữa 2 phường Ái Quốc và Nam Đồng thuộc TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã được thu hồi để phục vụ triển khai Dự án Nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty cổ phần Vinamit. Năm 2011, dự án này chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư là hơn 284 tỷ đồng.
Theo quyết định được phê duyệt, chủ đầu tư, Công ty cổ phần Vinamit sẽ xây dựng nhà máy với quy mô chế biến nông sản 20,5 tấn/ngày, sản xuất nước ép đóng chai 500 lít/giờ, xây dựng kho cấp đông 30 tấn/ngày, kho trữ đông 4.000 tấn/năm. Tại đây, Vinamit cũng xây dựng mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp có diện tích 84.560m2, khu vực tiếp nhận thu mua nông sản gồm kho phân loại và kho bảo quản lạnh để đưa vào chế biến rộng 4.000m2…
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 công nhân, đồng thời tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương, góp phần mang lại giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà. Thế nhưng, đáng tiếc là sau 15 năm được bàn giao đất, sau nhiều lần gia hạn, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ngoài bức tường được xây bao quanh khu đất và 2 nhà kho rộng khoảng 4.000m2 nằm trong khuôn viên của dự án thì chỉ có cỏ mọc um tùm.
Được biết, đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai và UBND tỉnh Hải Dương về việc công khai vi phạm đất đai đối với 3 doanh nghiệp trong đó có dự án của Vinamit.
Đưa vào tầm ngắm để thu hồi
>>>Quảng Nam: Khó chấm dứt dự án chậm tiến độ
>>>Quảng Ninh: Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ để làm sạch môi trường đầu tư
Cho ý kiến về các dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu, các đơn vị tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý dự án đầu tư sau chấp thuận, phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng thu ngân sách cho địa phương. Đồng thời hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời tạo điều kiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ổn định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng có sức thu hút các nhà đầu tư.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu, đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động nhưng chưa đúng mục tiêu đầu tư được chấp thuận, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, xử lý vi phạm. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra xử lý vi phạm về đất đai, môi trường và tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương xem xét thu hồi diện tích đất thuê theo quy định. Trên cơ sở đó Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương xử lý dự án theo quy định.
Đối với các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh có giải pháp để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án. Dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư và các dự án đã gia hạn nhiều lần, cần tham mưu cho tỉnh xem xét quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh thu hồi đất của các dự án thu hồi theo quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, gửi UBND tỉnh Hải Dương trước ngày 20/4.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tham mưu cho tỉnh ban hành quy trình, quy định về triển khai dự án. Tham mưu cho tỉnh quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát lại các nội dung liên quan đến các dự án chậm triển khai. UBND cấp huyện và các sở, ngành liên quan rà soát lại các dự án chậm tiến độ, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/4.
Tháng 11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng đã chỉ đạo người đứng đầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, phân loại các dự án tồn đọng và lên phương án xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, cần kiểm tra thực tế triển khai các dự án, nhất là các dự án đã bàn giao đất nhưng chưa triển khai, triển khai sai mục đích, chậm tiến độ, dừng thực hiện. Cũng tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương với UBND tỉnh, ông Triệu Thế Hùng cũng đã cho biết, UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần gây lãng phí, vi phạm quy định pháp luật và xử lý nghiêm các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vi phạm trong sử dụng đất.
Việc các doanh nghiệp cố tình “ôm đất” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân khu vực có dự án. Bên cạnh đó là một sự lãng phí rất lớn về nguồn vốn ngân sách, tài nguyên đất đai và nguồn lực của nhân dân.
Có thể bạn quan tâm