Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều làng nghề tại Hải Dương mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn để khôi phục sản xuất khi dịch bệnh qua đi.
Làng nghề bún ở Đông Cận, xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, các hộ hoạt động chỉ mang tính chất cầm chừng.
Ông Lê Văn Tần, chủ cơ sở làm bún trong làng cho biết: "Trước kia gia đình tôi làm một ngày vài tạ bún, giờ chỉ còn khoảng 70kg, do dịch COVID-19, các nhà hàng quán ăn nghỉ bán, gia đình tôi phải mang tới các chợ dân sinh bán lẻ. Sản xuất với số lượng ít, mà chi phí điện nước vẫn phải trả, một số hộ trong làng đã tập trung tại một số máy lớn để sản xuất chung".
Phó Chủ tịch xã Tân Tiến - ông Lê Văn Dũng chia sẻ, trước ngày 1/4 làng nghề có khoảng 40 hộ sản xuất, nhưng sau ngày 1/4 chỉ còn vài hộ. "Rất mong các cấp các ngành quan tâm, hỗ trợ cho làng nghề ổn định vượt qua được gian đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 này" - ông Dũng bày tỏ.
Tại làng nghề vàng bạc Châu Khê cũng gặp tình cảnh tương tự. Từ tháng 2/2020, các sản phẩm bạc như nhẫn, vòng tay, khuyên tai, dây chuyền... rất khó giao, các mối giao ngừng nhập hàng. Nhiều xưởng trong làng cố gắng duy trì sản xuất nhưng sản lượng giảm. Có xưởng chuyển sang bán hàng online, giới thiệu mẫu, nhận đặt hàng qua mạng rồi trả hàng nhưng số lượng cũng không đáng kể.
Làng nghề mộc Phương Độ ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) chuyên sản xuất bàn ghế gia dụng bằng gỗ, cũng không thể sản xuất vì các mối nhận hàng không lấy, hàng hóa đành xếp kho, công nhân nghỉ việc.
Ông Bình, chủ cơ sở trong làng chia sẻ, từ khi dịch COVD-19 bùng phát, gia đình tôi chưa thu được đồng nào, vì hàng giao chịu, bàn ghế ế ẩm. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Đây cũng là khó khăn chung của các hộ làm mộc ở làng Phương Độ, bởi từ đầu năm có đồng nào họ dồn mua gỗ hết, nhà ít thì bỏ vốn vài trăm triệu, nhà nhiều đến vài tỷ đồng. Giờ dịch bệnh, bàn ghế không bán được, gỗ cũng nằm đó.
Cũng không ngoại lệ, ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) có 3 làng nghề làm hương truyền thống là An Xá, Trực Trì và Đông Thôn với tổng cộng 82 cơ sở sản xuất. Khi chưa có dịch COVID-19, thu hút hàng trăm lao động làm việc. Từ đầu tháng 3 đến nay, hầu hết các hộ làm hương đều dừng họat động, chỉ còn ít hộ sản xuất cầm chừng.
Cơ sở sản xuất hương của gia đình anh Đàm Đức Lợi ở thôn Đông Thôn bình thường mỗi ngày có hơn 20 người làm việc, sản xuất từ 30 - 40 vạn nén hương, mang lại doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng. Hơn 1 tháng nay, nhà xưởng của gia đình anh cũng "cửa đóng then cài", sân phơi hương lâu ngày không sử dụng đã mọc rêu. Hiện nay, xưởng của anh Lợi còn tồn hàng tấn nguyên liệu và mấy trăm vạn nén hương, trị giá gần 1 tỷ đồng. Anh Lợi còn nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
11:15, 17/04/2020
20:14, 14/04/2020
04:50, 13/04/2020
Do khó khăn trong nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề bị ngưng trệ, hàng nghìn lao động không có việc làm. Người dân các làng nghề mong muốn các cấp, các ngành sớm triển khai chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề khi dịch bệnh qua đi các hộ sớm vượt qua khó khăn ổn định sản xuất.