5 công trình giao thông mà tỉnh Hải Dương sắp khởi công đều là những tuyến đường đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết điểm nghẽn về giao thông.
>>>Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương nỗ lực “vượt bão" COVID-19
Đó là khẳng định của Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh ủy Hải Dương khi nói về việc triển khai 5 công trình giao thông gồm: Dự án đường nối từ quốc lộ 17B đến đường dẫn cầu Dinh (TX. Kinh Môn); Dự án tuyến tránh đường tỉnh 392 (huyện Tứ Kỳ); Dự án đường gom cao tốc Hà Nội-Hải Phòng qua các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ; Dự án đường huyện ĐH 02 (huyện Ninh Giang); Dự án đường nối đường dẫn cầu Hàn đến cầu Kênh Vàng (huyện Nam Sách).
Trước đó, ngày 11/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự UBND tỉnh về phương án xây dựng 5 công trình giao thông trên.
Theo ông Thăng, căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương phải xây dựng lộ trình triển khai phù hợp và phấn đấu khởi công trong năm 2022 và hoàn thành sau 3 năm. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã phải thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện đối với từng dự án. Lãnh đạo Bí thư Huyện ủy, Thị ủy là trưởng ban; Chủ tịch UBND huyện, thị xã là phó trưởng ban. Các huyện, thị xã tập trung nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó đẩy nhanh việc triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị tạo nguồn cho dự án.
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách các dự án để đôn đốc triển khai thực hiện. Các sở, ngành có trách nhiệm hướng dẫn cấp huyện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ 3 tháng/lần, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh định kỳ 1 tháng/lần nghe báo cáo tiến độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
>>>Hải Dương đề xuất thực hiện 800 dự án quy mô 6.000 ha
>>>Hải Dương chính thức có nhà tài trợ nút giao kết nối đường tỉnh 390
Ngoài 5 dự án giao thông kể trên, mới đây, TP Chí Linh cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương một số vấn đề về dự án đường từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc. Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Thăng giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh rà soát lại toàn bộ cơ sở pháp lý, tiến độ triển khai dự án. Trên cơ sở đó xây dựng 2 phương án đầu tư để báo cáo. Phương án 1 giữ nguyên phương án đã được phê duyệt, phương án 2 đưa đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với dự án này. Từ đó, phân tích ưu điểm, nhược điểm từng phương án để lựa chọn phương án tối ưu.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới việc triển khai xây dựng đường vành đai 4 qua địa bàn Hải Dương. Đường vành đai 4 đi qua tỉnh dài 52,7 km, tuyến cơ bản đi trùng với trục Bắc - Nam.
Đây là tuyến tạo liên kết vùng Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hải Dương đề xuất bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng.
Trước đó, Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguồn vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách địa phương là 4.167,3 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Cụ thể, đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 3.200 tỷ đồng, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung 730,1 tỷ đồng, đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 209,2 tỷ đồng và đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 28 tỷ đồng. Với nguồn vốn được giao, tỉnh Hải Dương đã lên kế hoạch phân bổ vốn chi tiết.
Có thể bạn quan tâm