Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Dương để định vị được thương hiệu của mình thì phải biết được năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là gì?
Để giải đáp vấn đề này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đã tổ chức chuyên đề chia sẻ kiến thức quản trị doanh nghiệp và tư duy chiến lược trong bối cảnh mới, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc định vị lại năng lực cốt lõi thương hiệu cho doanh nghiệp mang lại giá trị lớn nhất cho khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị bà Lương Thu Hương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, Trong chiến lược kinh doanh hiện đại, doanh nghiệp Hải Dương không chỉ cần xây dựng thương hiệu, mà còn phải định vị lại thương hiệu của doanh nghiệp mình. Vậy để để làm được điều này doanh nghiệp phải tạo được lợi thế cạnh tranh, xác định được năng lực cõi lõi của doanh nghiệp là gì, năng lực thực sự của mình như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Vậy trong bối cảnh hiện nay giữa hàng trăm nghìn doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đủ quy mô, đa lĩnh vực, doanh nghiệp Hải Dương muốn đạt được chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất tốt thì không chỉ đơn thuần cần xây dựng thương hiệu, mà còn phải định vị được thương hiệu của mình.
Cụ thể, doanh nghiệp Hải Dương cần nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực, phân khúc thị trường. Lợi thế đó có thể là chất lượng, giá thành, kiểu dáng, tiện ích của sản phẩm, dịch vụ, hoặc những sản phẩm, dịch vụ đặc thù, riêng có dành riêng cho từng tập khách hàng cụ thể…
Chia sẻ tại hội nghị bà Bùi Thị Thanh Hương - Công ty Dược Hải Dương thắc mắc làm thế nào khi công ty đã có sản phẩm tốt, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, vậy để có lợi thế cạnh tranh, định vị được thương hiệu của mình Công ty cần có có thêm yếu tố nào?
Để làm rõ được vấn đề này PGS, TS Hà Sơn Tùng cho rằng, chỉ khi xác định rõ năng lực cốt lõi mới có thể duy trì bền vững lợi thế cạnh tranh. Từ đó từng bước doanh nghiệp mới xây dựng và định vị thương hiệu của mình được.
Đồng thời, để duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần xác định năng lực cốt lõi trong số những nguồn lực tự có. Đó có thể từ dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao, quỹ tài chính dồi dào hay mối quan hệ đối ngoại sâu và thực chất.
Từ đó, chỉ có định vị được thương hiệu doanh nghiệp mới tạo nền tảng vững chắc để có thể giữ chân khách hàng của mình. Mà khi thương hiệu của doanh nghiệp định vị thành công thì khách hàng ngay lập tức có thể liên kết, gợi nhớ đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp cũng có một số ý kiến về việc khó tìm kiếm đơn hàng xuât khẩu sang Mỹ- Nhật, đặc biệt là đơn hàng lớn. Kinh nghiệm giữ chân người lao động. Vì sao doanh nghiệp khi phát triển quy mô nhỏ thì tốt khi mở rộng sản xuất lại không có bạn hàng…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Sơn Tùng đã chỉ ra những lỗ hổng trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp chưa có tư duy chiến lược cụ thể mà chủ yếu vẫn phát triển theo mô hình tự phát nên không bền vững.