Xây dựng doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường là hướng đi quan trọng trong lộ trình tạo "lá phổi xanh" thúc đẩy “xanh hóa” các khu công nghiệp.
>>>Hải Dương: Tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ
Nhân rộng các KCN sinh thái
Theo ông Vương Đức Thủy, quyền Trưởng Phòng Văn phòng Ban Giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Dương - chủ đầu tư hạ tầng KCN Cẩm Điền-Lương Điền: Từ khi triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Lương Điền - Cẩm Điền - Cẩm Giàng, Công ty đã xác định bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu để phát triển bền vững, trong đó việc trồng cây xanh được chú trọng. Đến nay, các trục đường, khu điều hành... đã được bao phủ bởi 35.000 cây xanh, tạo không gian xanh cho toàn KCN. Đây cũng là KCN xanh hóa kiểu mẫu của tỉnh với mật độ cây xanh chiếm 15,4% tổng diện tích do KCN quản lý, vượt 5,4% quy định.
Để bảo vệ và giữ ổn định mật độ cây xanh, công ty đã cử nhân viên chăm sóc, cắt tỉa và trồng bổ sung cây xanh định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong KCN trồng cỏ và cây xanh xung quanh khuôn viên của nhà máy.
Đại diện ban lãnh đạo KCN Cộng Hoà cho biết: Vừa qua, KCN đã trồng 65 cây ăn quả và 200m2 hoa cúc, thược dược... tại khu nhà điều hành. Đây là hoạt động được KCN duy trì trong nhiều năm qua. Nhờ đó đến nay, hơn 2.000 cây bóng mát đã phủ xanh 27,2 ha, chiếm 13,4% tổng diện tích toàn khu.
Để việc trồng cây xanh đạt hiệu quả cao, đơn vị luôn tích cực tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp thực hiện tốt phong trào trồng cây bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đơn vị đang phấn đấu xây dựng KCN Cộng Hoà thành KCN có cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây sẽ là lợi thế quan trọng trong thu hút đầu tư thời gian tới.
Theo đại diện Công ty TNHH Hyundai Kefico - KCN Đại An: Ngay khi xây dựng nhà máy, Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để trồng cây xanh, thảm cỏ. Toàn bộ diện tích cây xanh được doanh nghiệp này quy hoạch khá hài hoà, bắt mắt. Đây cũng là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của các cán bộ, nhân viên.
Đặc biệt tại một số khu vực trong nhà máy, doanh nghiệp cũng trồng khá nhiều cây cảnh, hoa... giúp không gian thêm xanh mát. Do quỹ đất có hạn và không thể phát triển thêm diện tích cây xanh nên hằng năm Công ty TNHH Hyundai Kefico đều tài trợ cây cho các địa phương trong tỉnh. Năm 2023, doanh nghiệp đã tài trợ cho huyện Nam Sách 2.000 cây xanh.
Chú trọng phát triển các mảng xanh
Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để có thể thu hút được doanh nghiệp chọn là điểm đến đầu tư, các khu công nghiệp trong tỉnh Hải Dương không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút doanh nghiệp đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững.
Theo đại diện KCN Phú Thái: Mặc dù chỉ thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch nhưng KCN Phú Thái vẫn luôn chú trọng phát triển các mảng xanh trong KCN. Ngoài cây bóng mát, tại KCN này còn có cả một khu vực trồng các loại cây ăn quả, vườn ươm cây giống và nuôi một số động vật. Hiện trong KCN Phú Thái đang có trên 30 loại cây xanh. Vì có vườn ươm nên hằng năm đơn vị đều trồng bổ sung cây xanh, thảm cỏ để mở rộng mảng xanh.
Ngoài các trục đường chính, KCN Phú Thái còn trồng cây xung quanh hồ điều hòa, hàng rào của các nhà xưởng nhằm giảm thiểu khí thải từ hoạt động sản xuất, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện Hải Dương có 11 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.470 ha. Những năm qua, các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN đã trồng cây xanh trên diện tích khoảng 350 ha, chiếm 23,8% tổng diện tích.
Đại diện BQL KCN Phú Thái cho biết: "Để góp phần bảo vệ môi trường, chúng tôi luôn khuyến khích các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy theo mô hình nhà máy công viên. Đối với những dự án này chúng tôi đều có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt. Chúng tôi cũng dự định lắp đặt toàn bộ pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của các xưởng sản xuất để giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Còn theo BQL KCN Lai Vu: Để bảo vệ diện tích cây xanh, hằng năm, KCN Lai Vu đều rà soát, loại các cây kém phát triển, đổ gãy do mưa bão để trồng thay thế. Bên cạnh đó, KCN còn cải tạo, san lấp diện tích đất thùng vũng để trồng bổ sung cây xanh.
KCN cũng luôn duy trì một tổ công nhân hơn 10 người với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc cây xanh định kỳ. Trước mùa mưa bão, tổ này sẽ rà soát, chằng chống những cây có khả năng đổ gãy để bảo đảm an toàn. Nhờ đó, diện tích cây xanh tại KCN Lai Vu luôn được duy trì trên 21,8 ha.
Ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng - BQL các KCN tỉnh cho biết: "Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng xây dựng quy hoạch KCN phải có đầy đủ các hạng mục theo quy định, trong đó bảo đảm tối thiểu 10% tổng diện tích trồng cây xanh. Hằng năm, các KCN phải có kế hoạch chỉnh trang, trồng cây xanh tại các tuyến đường nội bộ, khuôn viên của KCN. Đối với các doanh nghiệp thứ cấp phải dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Nhờ đó đến nay, hầu hết các KCN đang hoạt động đều thực hiện nghiêm túc việc dành đất cho hệ thống cây xanh, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường".
Thực tế việc “xanh hóa” các khu công nghiệp đã không còn mới mẻ, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tại Việt Nam mới có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn. Bởi lẽ theo các chuyên gia kinh tế, các KCN không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút doanh nghiệp đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững. Đây cũng được đánh giá là bước đi phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Có thể bạn quan tâm