Hải Dương định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành các trung tâm logistics và phát triển KKT chuyên biệt tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng.
>>>Hải Dương: Doanh nghiệp duy trì việc làm để níu chân người lao động
>>>Hải Dương: Nhà đầu tư chính của cụm công nghiệp Cao Thắng là ai?
Từ định hướng lớn
Hải Dương hiện có điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa không chỉ với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc mà còn là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc với các tỉnh phía nam vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời là cầu nối điều hòa và thúc đẩy các chuỗi giá trị hoạt động kinh tế - xã hội của các cực phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Paul Tonkes - Phó giám đốc công nghiệp Core5 Việt Nam cho biết: “Hải Dương nằm dọc theo QL5 và đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn trong những năm gần đây. Những lợi thế này đã giúp Hải Dương thu hút nhiều khoản đầu tư lớn đến từ nước ngoài. Nhận thấy “hệ sinh thái” sản xuất công nghiệp phát triển, có thể hỗ trợ về mặt chuỗi cung ứng, dịch vụ và lao động, nhiều doanh nghiệp FDI và “đại bàng” lớn dự kiến sẽ đặt trụ sở tại Hải Dương thời gian tới”.
Trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương có 33 KCN với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 CCN với tổng quy mô là 3.209 ha, 6 trung tâm logistics và phát triển 1 KKT chuyên biệt nằm ở phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.
>>>Hải Dương: Thúc đẩy liên kết vùng từ đường không đến đường bộ
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, KKT chuyên biệt này sẽ tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đổi mới sáng tạo, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng. Đây là những lợi thế của Hải Dương để phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng.
Tuy nhiên, theo ông Triệu Thế Hùng, trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện nay các trung tâm logistics mới hình thành và phát triển tại các Trung tâm kinh tế lớn, thuận lợi gắn với cảng biển như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa hình thành trung tâm logistics lớn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container… được thực hiện tại cảng cạn (ICD) tại Quốc lộ 5, với quy mô diện tích 12 ha.
“Một số doanh nghiệp FDI cũng cung cấp các dịch vụ giao nhận và lưu trữ hàng hoá với mục tiêu kinh doanh chủ yếu gồm: Dịch vụ giao nhận hàng xuất nhập khẩu, vận chuyển và lưu giữ hàng hoá; dịch vụ vận tải và cho thuê văn phòng, nhà xưởng. Dịch vụ của các đơn vị này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, hầu hết là những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics ở nước ngoài; chưa có doanh nghiệp điều hành toàn bộ các loại hình dịch vụ logistics; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành và các tỉnh trong vùng, liên vùng….”, ông Hùng cho biết.
Đề xuất các nhóm giải pháp
Thực tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ được tỉnh Hải Dương xác định là 1 trong 5 trụ cột của nền kinh tế. Địa phương này cũng phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương chủ yếu trong 3 lĩnh vực gồm: cơ khí chế tạo; điện - điện tử; dệt may - da giày. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 đạt khoảng 13,25%/năm, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Do vậy, việc hình thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hậu cần sau cảng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.
Để sớm đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hậu cần sau cảng, theo ông Triệu Thế Hùng, tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, tập trung triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch và tập trung triển khai các KCN, CCN các trung tâm dịch vụ logistics, các phân vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương và của vùng đồng bằng sông Hồng; tăng cường tuyên truyền triển khai các nhiệm vụ trong việc liên kết, kết nối khu vực để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics.
Đồng thời, tập trung hình thành hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô lớn tính liên kết cao, phát triển hệ thống kho lạnh trong các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản của vùng; rà soát các phương án kết nối, tập trung nguồn lực đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các địa phương giáp ranh, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không.
“Tỉnh Hải Dương sẽ cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử để nâng cao vai trò kết nối giữa các thị trường tại mỗi địa phương khác cả trong nước và nước ngoài; nhằm kết nối lưu thông hàng hóa giữa các khu, CCN với hệ thống các cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics cấp tỉnh. Tăng cường phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là nguồn nhân lực cung ứng cho dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị các điều kiện phát triển các dịch vụ về vận tải, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu để sẵn sàng cung ứng”, ông Hùng cho biết thêm.
Mới đây, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, ông Triệu Thế Hùng đã đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục giúp đỡ Hải Dương và các tỉnh hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch Vùng và quy hoạch các địa phương thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty đường sắt Việt Nam sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và triển khai Ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng để đưa hàng hoá tiếp cận sâu vào lục địa Trung Quốc thông qua tỉnh Vân Nam.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bộ, ngành Trung ương, ông Hùng mong muốn Hải Dương được quan tâm giới thiệu các các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để khảo sát, phát triển trung tâm logistics tại tỉnh Hải Dương. Đặc biệt là khu vực các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà nhằm khai thác lợi thế nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; trung tâm logistics tại thị xã Kinh Môn để khai thác lợi thế kết nối với QL 5 và kết nối với sông Cấm ra cảng biển Hải Phòng.
Tỉnh Hải Dương hiện có trên 18.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng, trong đó có gần 500 doanh nghiệp FDI. Trên địa bàn đã thành lập 16 KCN với tổng diện tích quy hoạch chi tiết khoảng 2.588 ha; trong đó có 12/16 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh và 4/16 KCN đang thực hiện GPMB. 58 CCN được thành lập với diện tích đất 2.934,42 ha, trong đó 32/58 cụm đã đi vào hoạt động, thu hút trên 400 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10.000 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm