Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tính toán lựa chọn trên cơ sở cân đối, hài hoà các khoản đầu tư với lợi ích và rủi ro có thể đối mặt.
Ông Trần Bằng Việt - chuyên gia tư vấn cấp cao, CEO Đông A Solutions chia sẻ:
Phát triển bền vững trở thành lựa chọn của doanh nghiệp dù đó là sự lựa chọn chủ động hay bị động từ những áp lực của hệ thống chính sách, tiêu chuẩn từ các thị trường xuất khẩu, của người tiêu dùng… buộc doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất, quản trị.
Để tăng trưởng và phát triển, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cân nhắc rất nhiều đến phát triển bền vững. Không doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc cả.
Phát triển bền vững thường được nhìn nhận gắn liền với 3 trụ cột.
Thứ nhất là trụ cột môi trường, doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào đều cần tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu sản xuất, giảm thiểu chất thải, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thay thế. Ở góc độ này có thể thấy phát triển bền vững gần hơn với kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai là trụ cột liên quan đến xã hội, đòi hỏi doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến môi trường lao động, quan tâm chăm lo tốt hơn quyền lợi, đời sống người lao động. Nhìn rộng hơn trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp thực hiện trụ cột xã hội thể hiện trong việc tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ các bên liên quan.
Thời gian qua, một nhãn hàng lớn về đồ uống trên toàn cầu đã cam kết sử dụng nguyên vật liệu đầu vào một cách có trách nhiệm. Nhãn hàng đã nghiên cứu tiêu chuẩn hỗ trợ quy trình canh tác sạch cho người nông dân, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, sử dụng nước tưới tiêu tiết kiệm, giảm phát thải… Nhãn hàng sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các nông trại đáp ứng yêu cầu.
Sử dụng nguyên liệu chế biến đồ uống (cà phê, trà) có trách nhiệm, nhãn hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn gián tiếp thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, xã hội, với sự phát triển bền vững.
Thứ ba là trụ cột liên quan đến kinh tế. Trong các hoạt động sản xuất kinh doanh cần dành mang lại khoản đầu tư cho dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Điển hình, trong xu hướng chuyển từ xe xăng sang xe điện, một số thương hiệu lớn trên thế giới đã chấp nhận bỏ ra khoản đầu tư lớn cơ sở hạ tầng để đón đầu tăng trưởng theo xu hướng phát triển chung trong tương lai. Thậm chí, có doanh nghiệp còn sẵn sàng chia sẻ các phát minh, sáng chế với mong muốn đóng góp thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề, lĩnh vực mới.
Để theo đuổi mục tiêu tốt đẹp này, chắc chắn doanh nghiệp phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận. Đây thường là những doanh nghiệp có quy mô lớn, tiên phong dẫn đầu tạo cho họ lợi thế cạnh tranh, khẳng định thương hiệu với khách hàng cũng như dễ dàng tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ, các nguồn lực đầu tư…
Theo đuổi phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực, thời gian, công sức cho chuyển đổi quy trình sản xuất, thay đổi dây chuyền, đầu tư công nghệ mới, nhất là với công nghệ tuần hoàn khi phụ phẩm của đơn vị này có thể là đầu vào sản xuất của đơn vị khác. Trong khi nhu cầu thị trường chưa đủ lớn, các hoạt động kết nối chưa đồng bộ khiến cho kinh doanh tuần hoàn, kinh tế xanh gặp khó, tạo rủi ro doanh nghiệp.
Từ thực tế trên, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần cân đối và tính toán lựa chọn của mình để hài hoà các khoản đầu tư với lợi ích nhận được và rủi ro đối mặt. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ gắn liền với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đo lường hiệu quả chuyển đổi sản xuất, năng lượng, tối ưu hoá sản xuất cũng như đo lường phản hồi của khách hàng, đối tác.
Quan trọng hơn, cần xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi phù hợp nhu cầu, nguồn lực, thực tế của doanh nghiệp để tránh những rủi ro có thể.