Nếu không giải được bài toán dùng người, Hải Phòng đừng nghĩ đến chuyện ngồi cùng mâm với Quảng Ninh trên bảng xếp hạng PCI.
Lần thứ ba liên tiếp Quảng Ninh được VCCI vinh danh là địa phương đứng đầu toàn quốc về năng lực cạnh tranh. Đại đa số các nhà báo đã từng làm việc với tỉnh này không bất ngờ.
Từ lâu, trong quán coffee hay trên trang mạng xã hội, họ thường chia sẻ những ấn tượng đẹp về sự thân thiện, cởi mở, thẳng thắn của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, từ người lãnh đạo cao nhất đến cán bộ các Sở, ban ngành...
Có một câu nói ví von như thế này: “Cổng trụ sở tỉnh không bao giờ đóng!”. Xin chúc mừng Quảng Ninh!
Lần này, trong bảng xếp hạng của VCCI, Hải Phòng “nhảy” vào tốp 10. Thành phố nhận tin ấy với nhiều cảm xúc. Vui vì năm trước họ xếp 16, năm nay tiến lên 6 bậc. Chưa vui vì sau sự thức tỉnh khỏi “ giấc ngủ đông” dài mấy mươi năm, người Hải Phòng có hy vọng được thấy mình ở “chiếu trên”. Chắc chắn, thứ 10 không làm cho người Hải Phòng thỏa mãn!
Tuy nhiên, khoảng cách 10 bậc giữa Quảng Ninh và Hải Phòng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh hoàn toàn không hề khó hiểu. Câu trả lời là hiện tượng “trên trải thảm dưới trải đinh” (không ngoại lệ cho bất cứ tỉnh, thành nào khắp cả nước) tại Hải Phòng phổ biến hơn ở Quảng Ninh!.
Tình trạng ấy chẳng phải bây giờ mới có. Nhiều năm về trước có một doanh nhân nhận được “Tâm thư” của lãnh đạo thành phố, ông đã mang tiền bạc về đầu tư xây dựng Hải Phòng.
Ông được lãnh đạo thành phố đón tiếp niềm nở. Song cũng ở đó, ông đã gặp một vị Giám đốc Sở “đi bộ 8 bước mới nhả ra được một câu nhát gừng” để trả lời những đề nghị về đất của doanh nhân này. Theo thời gian trôi, vấn đề của ông trở nên mưng mủ. Doanh nghiệp của ông không chết, nhưng bị thương tích vì cái “ đinh” này.
Ngày nay, trước sự quyết tâm mạnh mẽ“ vì người dân thành phố” của lãnh đạo Hải Phòng, cả hệ thống chính trị đã rùng rùng chuyển động. Nhờ đó, diện mạo thành phố thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng hành với trào lưu chung. Vẫn còn sót những con người, đặc biệt ở cấp quận huyện, sở ngành, chậm chân, lạc đường, bởi họ quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn đến các vấn đề cần ưu tiên của thành phố. Điều gì làm cho họ thích “ rải đinh”?
Thứ nhất, ngại khó đã khiến cho họ không nhìn ra được bản chất vấn đề của các doanh nghiệp, vì tìm ra được sự thật cũng cầu kỳ như bóc vỏ củ hành. Khi không nhìn ra sự thật thì họ co cụm, mà co cụm là biểu hiện sự tù hãm.
Vì sợ trách nhiệm và quá quan liêu, họ thích dựa vào quy trình. Họ không hiểu rằng khi quy trình không đi theo mục đích hoạt động và các luật lệ đặt ra thay thế trách nhiệm, thì phải nhổ rễ quy trình đó lên.
Hoặc muốn tham nhũng, họ nuôi dưỡng những suy nghĩ ngắn hạn, hy sinh các lợi ích to lớn của thành phố để thỏa mãn những cái tôi còn to lớn hơn của mình. Hay vì cục bộ, họ dành ưu ái cho người cùng cánh. Cũng có khi vì ngộ nhận quyền lực, họ thích áp đặt ý chí của mình mà quên mất rằng họ có quyền đưa ý kiến mà không có quyền đối với sự thật.
Cái việc rải đinh trái khoáy là rất nguy hiểm. Từng nơi, từng lúc, nó có thể biến quyết tâm sắt đá của cấp lãnh đạo thành một chính sách dễ bị bay hơi trong con mắt của doanh nghiệp. Lòng tin vào lãnh đạo bị xói mòn.
Những người "rải đinh" dồn áp lực lên cấp trên bởi cấp trên phải nai lưng giải quyết những vấn đề của họ, Họ là rào cản cho sự tiến bộ. Cuối cùng, sự chờ đợi, do những rối rắm về thủ tục hành chính mà họ gây ra, có thể giết một doanh nghiệp. Để tồn tại một đám “ người rải đinh”, rõ ràng ở Hải Phòng có vấn đề về tổ chức nhân sự!
Có thể bạn quan tâm
20:00, 08/05/2020
14:01, 06/05/2020
15:55, 08/05/2020
19:16, 03/05/2020
11:00, 07/05/2020
14:11, 06/05/2020