TP Hải Phòng đặt mục tiêu bảo đảm môi trường sản xuất xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới.
Ưu tiên chuyển đổi xanh
Với những lợi thế đặc biệt, tầm nhìn dài hạn và hành động nhất quán, TP Hải Phòng đang trở thành điểm sáng của cả nước trong lộ trình tăng trưởng xanh và bền vững. TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, địa phương sẽ tập trung giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030 không chỉ là lộ trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn là cam kết của địa phương đối với việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo “TP Hải Phòng tiên phong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững” diễn ra tại Cát Bà mới đây, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, mục tiêu phát triển Hải Phòng không chỉ trở thành địa phương vững mạnh về kinh tế mà còn là môi trường sống xanh, sạch, đẹp của người dân. Đồng thời, bảo đảm môi trường sản xuất xanh, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của thành phố đưa hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới.
Thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ ban hành nghị quyết riêng về chuyển đổi xanh TP Hải Phòng nhằm xây dựng một Hải Phòng thực sự xanh, sạch, đẹp với mục tiêu huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân.
Ông Lê Tiến Châu cũng đã gợi mở các đại biểu bàn giải pháp cụ thể, thiết thực tại hội thảo này nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi xanh, nhất là trong các lĩnh vực: công nghiệp, du lịch, giao thông, xây dựng, logistics... Ví dụ cụ thể về quyết tâm xây dựng đảo Cát Bà thành đảo xanh, cần sự chung tay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tất cả người dân trên đảo và cả khách du lịch. Trong đó, cần giải bài toán về giao thông xanh, xử lý nước thải, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên đảo. Từ đó, xác định giải pháp, cách làm, chế tài xử lý cụ thể đối với các hành vi ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng đảo Cát Bà xanh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng đã sớm chuyển đổi xanh, tập trung các lĩnh vực công nghiệp, giao thông như Vinfast đã chuyển từ sản xuất xe xăng sang xe điện, Sun Group đầu tư cáp treo ra Cát Bà. Hay các khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống điện mặt trời và triển khai hệ thống xe buýt đưa đón công nhân, xây dựng điện gió ở huyện đảo Bạch Long Vĩ... Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh ở TP Hải Phòng chưa rộng khắp và đồng bộ. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích, động viên các đơn vị, doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Văn Tùng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi xanh giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050, hoàn thành và báo cáo UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét trước ngày 10/4/2025. Bên cạnh đó, UBND huyện Cát Hải phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng thống nhất xây dựng nghị quyết mới về chuyển đổi xanh, phát triển du lịch xanh trên đảo Cát Bà, trình các cấp có thẩm quyền trong quý III/2025. Các ngành chức năng xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia chuyển đổi xanh, tập trung vào sản xuất, giao thông, logistics, năng lượng, du lịch.
Tích cực tham gia vào cuộc đua
Năm 2025, TP Hải Phòng đã chọn chủ đề năm “Mở rộng không gian kinh tế, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”. Để đạt được mục tiêu này, TP Hải Phòng đã chuẩn bị mọi nguồn lực để tham gia vào cuộc đua chuyển đổi xanh.
Cụ thể, ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Hải Phòng cho biết, BQL KKT Hải Phòng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, kinh tế tuần toàn trong các Khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, tập trung xây dựng mới các khu công nghiệp theo các mô hình khu công nghiệp chuyên ngành như sản xuất chất bán dẫn, chíp, cơ khí chế tạo, điện điện tử, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, logistics xanh, cảng xanh… gắn với chuyển đổi số ở cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.
Cũng theo ông Kiên, BQL KKT ưu tiên lồng ghép các phương án thiết kế không gian xanh trong quá trình lập, phê duyệt đồ án quy hoạch các dự án trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng Khu kinh tế ven biển phía Nam. Xây dựng và triển khai các các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp xanh, bám sát xu hướng quốc tế về ESG và mục tiêu giảm phát thải nhà kính - Net zero...
Về phía các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hải Phòng cũng tích cực chung tay cùng địa phương này chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Đại diện Công ty TNHH Pegatron Việt Nam cho biết, trong xã hội ngày nay, doanh nghiệp không chỉ theo đuổi mục tiêu về tài chính, mà còn quan tâm đến môi trường xung quanh, trách nhiệm xã hội và phương thức quản trị vận hành. Trên phương diện môi trường, phía doanh nghiệp tích cực duy trì giảm thiểu phát thải carbon, hiện tại đã đạt được chứng nhận ISO14064 về kiểm soát khí thải nhà kính. Mục tiêu chung của doanh nghiệp là đạt được tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo 50% vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực tế, chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TP Hải Phòng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi xanh, TP Hải Phòng cần tập trung chuyển đổi xanh trong phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng khu công nghiệp sinh thái, phát triển giao thông xanh, xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và đời sống.
Nếu vượt qua được các thách thức, TP Hải Phòng có thể trở thành một mô hình điển hình tiên phong cho các thành phố cảng trong khu vực trong hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.