Giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất với tình trạng ruộng bỏ hoang là tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thuê đất hoặc liên kết sản xuất với nông dân, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn.
>>>Tự do hay công bằng cho tích tụ ruộng đất?
>>>Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất
Diện tích ruộng bỏ hoang liên tục tăng
Hàng trăm ha đất nông nghiệp tại Hải Phòng đang bị bỏ hoang. Trong đó, không ít diện tích thuộc loại “ruộng mật, bờ xôi”, đã từng đạt năng suất lúa tới 6,7 tấn/ha.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích ruộng bỏ hoang ở các huyện tiếp tục tăng thêm 476ha, đưa tổng số diện tích ruộng bỏ hoang trong 5 năm gần đây từ năm 2018-2023 lên khoảng 4.331ha.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, diện tích ruộng bỏ hoang của toàn huyện, tính đến cuối tháng 8/2023 là hơn 423ha. Không chỉ riêng An Lão, diện tích ruộng bỏ hoang tại nhiều huyện của TP Hải Phòng ngày càng có xu hướng tăng. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên là 1.024ha, Kiến Thụy là 869ha, An Dương là 756ha, huyện Tiên Lãng có hơn 1.000 hộ bỏ ruộng hoang với diện tích gần 200ha…
Nói về nguyên nhân, ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, ông Ngô Trung Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, sản xuất nông nghiệp bị tác động bởi thiên tai và dịch bệnh. Giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao, đầu ra thì bếp bênh, những lúc được mùa thì mất giá. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất phổ biến vẫn là quy mô nhỏ, nông hộ, thiếu liên kết dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản, thực phẩm và giá trị gia tăng của một số mặt hàng nông sản thấp, sản xuất còn mang tính tự phát.
Mặt khác tình trạng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đã khiến một phần lớn bộ phận nông dân ở một số xã, thị trấn bỏ ruộng, bỏ chăn nuôi, trồng trọt để đi làm việc khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn tại các nhà máy, xí nghiệp. Do giá trị ngày công lao động nông nghiệp quá thấp nên lao động nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ.
Hỗ trợ liên kết 3 nhà
>>>Gỡ “rào cản” tích tụ ruộng đất
>>>“Mở đường” cho tích tụ ruộng đất
Trước thực trạng ruộng bỏ hoang ngày càng gia tăng, Hải Phòng xác định giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất cần áp dụng là tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân ở địa phương hoặc các vùng lân cận thuê đất hoặc liên kết sản xuất với nông dân. Hiện, tại các huyện đã có gần 900ha diện tích ruộng bỏ hoang được thu gom để sản xuất trở lại.
Thực tế hóa chủ trương này, để đảm bảo sản xuất hiệu quả và đầu ra nhằm khuyến khích người dân tham gia sản xuất, vụ Xuân 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã lựa chọn và thí điểm các mô hình liên liên kết giữa 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nước) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình sản xuất lúa được chọn tại hộ ông Trần Mạnh Hùng, xã Trấn Dương với quy mô 5ha. Cán bộ Khuyến nông được giao bám sát mô hình ngay từ khi làm đất đến thu hoạch và người dân được giới thiệu ký hợp đồng với Công ty An Đình từ đầu vụ với giá là 6.500đ/kg.
Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, các vụ trước đây gia đình tập trung sản xuất giống lúa nếp, năng suất tối đa đạt 4,4 tấn/ha, có vụ chỉ đạt 3,3tấn/ha, thường phải phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn đến 3 lần/vụ và cây hay bị đổ khi có mưa đặc biệt vào vụ mùa giai đoạn thu hoạch, dễ bị cháy rầy. Bên cạnh đó, thị trường thu mua bấp bênh không ổn định, với 1ha canh tác, gia đình chỉ thu về được khoảng 30-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được giao động từ 3-13 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, sau khi tham gia mô hình với giống lúa mới, đã thể hiện được các ưu điểm nổi trội như: khả năng chống chịu điều kiện thời tiết tốt, không bị đạo ôn, cứng cây, chống đổ tốt, năng suất đánh giá đạt 7,6 tấn/ha, tổng thu đạt 49,6 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 15,3 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, mô hình tích tụ ruộng đất, thu gom ruộng bỏ hoang của nông dân để sản xuất trở lại thực tế cho thấy đạt hiệu quả rõ rệt. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành chức năng và địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp các cá nhân, tổ chức thu gom diện tích ruộng bỏ hoang đưa lại vào sản xuất, dễ dàng tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ của thành phố, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất. Cùng với đó, Sở giao nhiệm vụ cho một số đơn vị hỗ trợ các hộ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định.
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, HĐND TP.Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết số 15 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn TP.Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất vốn ngân hàng đối với HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình có phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã được UBND cấp huyện phê duyệt. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của phương án, nhưng không quá 600 triệu đồng/ha trồng trọt, 700 triệu đồng/trang trại chăn nuôi, 5 tỷ đồng/cơ sở giết mổ, 1 tỷ đồng/ha nuôi trồng thủy sản, 1,2 tỷ đồng/tàu cá.
Thời gian được hỗ trợ tối đa 3 năm kể từ khi vốn vay được giải ngân. Riêng đối với sản xuất trồng trọt, những hạng mục được hỗ trợ gồm: đầu tư mới nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống (máy, thiết bị) tưới tự động, kho lạnh bảo quản nông sản, mua máy làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy nông sản…
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Cần cơ chế cho tích tụ ruộng đất
01:13, 18/03/2023
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?
05:30, 21/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?
11:10, 20/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất
04:50, 16/02/2021