Kinh tế

Hải Phòng: Đề xuất thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon

Hải Ngân 26/04/2025 00:30

TP Hải Phòng đề xuất thí điểm cơ chế bù trừ, trao đổi tín chỉ carbon, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, nhằm tiến tới phát thải bằng 0 vào 2050.

95.jpg
TP Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai sớm những biện pháp, chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính (Trong ảnh: KCN DEEP C Hải Phòng)

Nỗ lực đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Hải Phòng là một trung tâm kinh tế lớn ở miền Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã thành lập 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 7.100 ha, trong đó có 14 KCN đã đi vào hoạt động, Tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã đi vào hoạt động hiện nay lên đến hơn 70%.

Hải Phòng cũng đã thành lập 2 khu kinh tế (KKT), đó là KKT Đình Vũ – Cát Hải và KKT ven biển phía Nam. Trong đó, KKT Đình Vũ – Cát Hải đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên đến hơn 80%.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt “phát thải ròng” bằng 0 vào năm 2050.

Hướng tới giảm thiểu phát thải bằng 0 vào năm 2050, TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 15/9/2022 với mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính. Theo kế hoạch, đến năm 2030, xây dựng kịch bản carbon thấp cho TP Hải Phòng cho các lĩnh vực: sử dụng năng lượng, chất thải, nông lâm nghiệp và sử dụng đất. Bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố giảm ít nhất 43.5% so với kịch bản phát triển thông thường (BaU). Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2050, cập nhật kịch bản carbon thấp cho TP Hải Phòng, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố hướng tới phát thải ròng bằng 0. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

97.jpg
TP Hải Phòng đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh để đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, để đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, TP Hải Phòng đã có sự chuẩn bị các nguồn lực thực hiện. TP Hải Phòng cũng ban hành chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và mê tan của ngành giao thông vận tải. Ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2050.

Từ năm 2022 đến nay, địa phương này đã phục hồi 150ha rừng ngập mặn tại Cát Bà và Đình Vũ giúp hấp thụ hàng chục nghìn tấn CO2 mỗi năm đồng thời bảo tồn hệ sinh thái ven biển. Đồng thời, hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm năng lượng góp phần giảm phát thải khí nhà kính...

Ông Bruno Jaspert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ, phía doanh nghiệp đã đầu tư các dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 5,38MWp, tạo ra gần 6.000 MWh điện hàng năm. Đồng thời, Tổ hợp KCN DEEP C cũng đang chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông bằng điện thay thế cho phương tiện chạy bằng xăng dầu truyền thống. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua các biện pháp giảm biến đổi khí hậu, theo mục tiêu giảm phát thải carbon của DEEP C.

Thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon

TP Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai sớm những biện pháp, chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm phát thải khí nhà kính, ông Dương Đình Ổn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cho biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND TP Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện sàn giao dịch tín chỉ carbon, một trong những công cụ để phát triển thị trường carbon tại địa phương nhằm tạo sự chuẩn bị cho chính quyền, doanh nghiệp thành phố tham gia vào thị trường carbon nội địa của Việt Nam trong tương lai, cũng như đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm phát thải khí nhà kính của TP Hải Phòng theo mục tiêu đặt ra.

“Sàn giao dịch sẽ là nơi để các tín chỉ carbon được cấp, niêm yết và trao đổi giữa các bên có nhu cầu. Tín chỉ carbon được cấp dựa trên kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ các dự án và cơ sở đã được kiểm kê với cơ chế vận hành áp dụng nguyên tắc bù trừ cho phép các tổ chức có phát thải cao mua tín chỉ từ các tổ chức có dư tín chỉ carbon”, ông Ổn cho biết thêm.

96.jpg
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu Net Zero vào 2050

Được biết, TP Hải Phòng cũng đã đề xuất thực hiện thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Theo đó, tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Theo đề xuất, UBND TP Hải Phòng sẽ ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.

Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đến trước tháng 6 năm 2025, từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.

Thị trường carbon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ tháng 6 đến hết năm 2028, trước khi vận hành chính thức từ 2029. Hai loại hàng hóa giao dịch chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Sàn giao dịch này sẽ là công cụ giúp Việt Nam tăng chuyển đổi xanh, hướng tới lộ trình Net Zero vào 2050.

Hiện TP Hải Phòng cũng đặt mục tiêu Net Zero vào mốc thời gian trên. Theo kịch bản giảm thải, TP Hải Phòng sẽ tập trung vào các dự án công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Đề xuất thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO