Hải Phòng: Doanh nghiệp phạm luật vì không có quy hoạch bến bãi

LAN VŨ 05/08/2021 04:20

Không có quy hoạch bến bãi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hải Phòng buộc phải vi phạm pháp luật để tồn tại.

Thực trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện có bãi tập kết vật liệu ven sông, như: Dương Kinh, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thuỷ Nguyên… Hiện, trên địa bàn TP Hải Phòng có hơn 200 bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên các bãi bồi ven sông, ven biển, trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Tại các bãi bồi, các công trình, nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng san sát nhau. Nhiều bãi tập kết cát, đá, than chất đống cao vượt đỉnh đê 3-5m. Nhiều nhà xưởng, công trình kiên cố gắn biển đề tên doanh nghiệp, công ty. Tuy nhiên, việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng lộn xộn, thiếu quy hoạch, đa số là hoạt động trái phép, nhiều vi phạm kéo dài chưa có biện pháp thống nhất xử lý triệt để.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng Hải Phòng đã trình thành phố phê duyệt Đồ án quy hoạch bến, bãi tập kết khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Sở Xây dựng TP Hải Phòng cũng có công văn gửi UBND các quận, huyện đề nghị rà soát, bổ sung vào đề xuất quy hoạch bến bãi tại mỗi địa phương. Tiêu chí đưa vào quy hoạch của các bến bãi chặt chẽ hơn, diện tích tối thiểu từ 2000m2, nằm ngoài hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ, nếu tiếp xúc với mặt sông chiều dài bến tiếp xúc tối thiểu phải 60 m. Các bến bãi chưa đủ điều kiện về diện tích tối thiểu nhưng có khả năng mở rộng sang phần đất lân cận vẫn được coi là phù hợp.

Mỗi địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, đề xuất các vị trí mới để đưa vào quy hoạch các điểm bến, bãi tập kết khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Để quản lý hoạt động của các bãi vật liệu xây dựng hiệu quả, cần sớm hoàn thiện quy hoạch các bãi vật liệu xây dựng đủ các tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động. Đề nghị, các ngành chức năng đề xuất, tham mưu với thành phố lập và phê duyệt quy hoạch bãi tập kết kinh doanh vật liệu tập trung, phục vụ các hoạt động tập kết, kinh doanh bảo đảm quy định về an toàn đê điều, phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, quy hoạch bến bãi đến nay vẫn chưa được công bố, gây khó khăn cho hoạt động của các chủ bến bãi.

Công trình vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn cầu Khuể

Công trình vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn cầu Khuể

Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh việc Công ty TNHH TM và Sản xuất Suvinco Việt Nam vi phạm pháp luật về đê điều tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng nhưng gần 3 năm nay việc xử lý vi phạm của doanh nghiệp này vẫn chưa giải quyết xong. Từ câu chuyện của Suvinco có thể thấy, việc quản lý bãi bồi ven sông, biển đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, xây dựng công trình ngoài đê.

Được biết, năm 2018, Đoàn liên ngành TP Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng ven các bãi sông. Trong đó, có 21 tổ chức, hộ kinh doanh không có giấy phép hoạt động, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bến bãi tập kết không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất,… 

Vì không phép nên mọi hoạt động đều là vi phạm pháp luật. "Dù biết là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì vì số tiền bỏ ra đầu tư trang thiết bị, xây dựng quá lớn nên nhiều khi phải chấp hành nộp phạt rồi hoạt động tiếp. Doanh nghiệp có chấp hành việc di rời thì cũng không biết di dời đi đâu, vì khi chưa có quy hoạch bến, bãi cụ thể thì có hoạt động ở đâu cũng là trái phép", một chủ doanh nghiệp cho biết.

Tại khu vực đất bãi ngoài đê thôn Minh Thị, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, một khu đất trước đây được quy hoạch để nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2016, khu đất được ông Bùi Anh Tuấn tự ý chuyển thành bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép. Cuối năm 2019, ông Tuấn tự ý bơm cát lên bãi và xây dựng bến thủy tại đây.

Trước hoạt động trái phép này, UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, yêu cầu ông Tuấn dừng hoạt động, trả lại hiện trạng ban đầu nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay, các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Mỗi khi có đoàn kiểm tra xuống làm việc, ông Tuấn đều viện lí do đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép, chờ lãnh đạo phê duyệt (?).

Thực tế cho thấy, thực trạng trên xảy ra là do Hải Phòng chưa có quy hoạch bến bãi nên các bãi vật liệu xây dựng vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát và đẩy doanh nghiệp vào thế luôn luôn phải vi phạm pháp luật.

Vì vậy, việc lập lại trật tự, siết chặt quản lý, thống nhất quy hoạch các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng là yêu cầu cấp thiết của TP Hải Phòng. Nếu có quy hoạch, các bến bãi trái phép, không đảm bảo yêu cầu cần thiết sẽ bị dừng hoạt động. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, vi phạm về khai thác, vận chuyển kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển đang khá nóng sẽ được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xóa bỏ các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xóa bỏ các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập

    19:15, 18/06/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XV): Yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng “loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XV): Yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng “loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội

    04:50, 19/02/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    05:59, 14/02/2021

  • “Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn

    “Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"

    04:30, 05/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Doanh nghiệp phạm luật vì không có quy hoạch bến bãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO