Những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại TP Hải Phòng đã được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành giải đáp.
Cầu thị, lắng nghe
Hội nghị Thường trực Thành uỷ TP Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024 có sự tham dự của gần 600 doanh nghiệp cùng với đó là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của thành phố, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề.
Hội nghị nhằm giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời kết nối hợp tác đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thành phố, doanh nghiệp FDI với các trường Đại học và Cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố trong việc đào tạo và cung ứng lao động.
Bí thư Thành uỷ TP Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng, kết quả thu được tại Hội nghị sẽ là những giải pháp thiết thực, đúng nguyện vọng của doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Hội nghị cũng thông qua định hướng thu hút, kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài và các thông tin về tầm nhìn, quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới, từ đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp có được cái nhìn bao quát và chính xác về thành phố để có những kế hoạch đầu tư kinh doanh chắc chắn, phù hợp hơn trong tương lai.
Hiện, trên địa bàn TP Hải Phòng có 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ đô la Mỹ, trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% về số vốn đầu tư, các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14% về số vốn đầu tư. Số còn lại là các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, khai khoáng.
Kể từ khi mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến nay, các doanh nghiệp FDI luôn là nhân tố đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội của thành phố thông qua việc góp phần quan trọng trong gia tăng vốn đầu tư phát triển, đóng góp ngân sách thành phố, đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động với chế độ đãi ngộ tốt gắn với đào tạo, nâng cao năng suất lao động và trình độ kỹ thuật. Bên cạnh đó, với thế mạnh về khoa học công nghệ, khối doanh nghiệp FDI cũng được đánh giá là động lực cho sự phát triển ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại thành phố.
Hội nghị tiếp thêm những bước tiến vững chắc cho mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp FDI với TP Hải Phòng. Bằng sự cầu thị, chân thành, biết lắng nghe và những hành động quyết liệt của Hải Phòng cùng với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, lan tỏa sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong tương lai khối doanh nghiệp FDI của TP Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển bền vững hơn nữa, xứng đáng trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng – Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến được đưa ra
Tại hội nghị đã có 9 nhóm vấn đề, bao gồm các nhóm lĩnh vực về: đất đai, xây dựng; hạ tầng giao thông; thuế và hải quan; lao động; năng lượng; đầu tư và kết nối đầu tư kinh doanh; chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo… với 56 ý kiến được các doanh nghiệp đưa ra và giải quyết.
Các ý kiến liên quan đến việc thành lập Khu kinh tế phía Nam, ông Lê Trung Kiên –Trưởng ban Ban Quản ký Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Ban sẽ báo cáo thành phố để thành phố đề xuất với Trung ương ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho khu kinh tế phía Nam để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư tại Khu kinh tế mới.
Về lĩnh vực giáo dục, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Ricky Tan - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục KinderWorld cho biết, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi chỉ một năm kể từ buổi xúc tiến làm việc đầu tiên với Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Giai đoạn 1 của Trường Quốc tế Singapore đã hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đã cam kết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của Hải Phòng và nhu cầu học tập của con em người Hải Phòng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong nước và quốc tế tới sinh sống và làm việc tại Hải Phòng, KinderWorld mong muốn tiếp tục được TP Hải Phòng giới thiệu địa điểm phù hợp để triển khai dự án Khu phức hợp giáo dục quốc tế Singapore. Địa điểm đề xuất tại Trung tâm hành chính – chính trị mới của TP Hải Phòng. Đề xuất phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng để tổ chức các buổi Hội thảo nâng cao chuyên môn sư phạm cho các giáo viên. Bên cạnh đó là đề xuất triển khai mô hình kỹ năng sống tại đảo Cát Bà.
Trả lời vấn đề này, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, thành sẵn sàng phối hợp, hợp tác với doanh nghiệp trong hợp tác giáo dục, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến tại thành phố.
Về lĩnh vực chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Chen Chi Liang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam đặt câu hỏi, Hải Phòng có những định hướng và triển khai những giải pháp nào để nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành điện tử, bán dẫn. Từ đó, đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu đất nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin, cũng như tăng sức hút cho Việt Nam trong cuộc đua thu hút đầu tư ngành bán dẫn?
PGS. TS Nguyễn Hoài Nam – Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2024 – 2027, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hải Phòng và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh để đào tạo từ 1.000 - 1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về điện tử và vi mạch bán dẫn và đào tạo từ 3.000 – 5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch nhằm cung cấp nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng và các vùng lân cận.
Về lĩnh vực đầu tư, ông Xu Cheng Uây – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aroma Bay Candles nêu kiến nghị: chúng tôi được biết, TP Hải Phòng rất chú trọng tới hoạt động kết nối đầu tư – kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Là một doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tại Hải Phòng hơn 16 năm nay, chúng tôi muốn tìm cơ hội kết nối đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực về nguyên vật liệu và một số lĩnh vực khác để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào. Do đó, tôi mong là được tham gia nhiều Hội nghị kết nối đầu tư hoặc các chương trình khác tương tự để được gặp gỡ, trao đổi với các đối tác hoặc thành phố hỗ trợ doanh nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để có thể chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư", ông Xu Cheng Uây chia sẻ.
Chi phí logistics ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Về lĩnh vực logistics, hậu cần sau cảng, ông Dương Trường Vinh – Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH Navigatec New Materials Việt Nam cho biết, vấn đề mang tính thiết thực ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp là chi phí logistics.
Ông Vinh nêu, đang có sự chênh lệnh phí nâng hạ hàng và vỏ rỗng giữa cảng bãi container và các bãi (ICD), khi phí nâng/hạ vỏ rỗng tại các bãi (ICD) không những không thấp hơn mà lại cao cả chi phí nâng/hạ hàng tại cảng, điều này là chưa thật sự hợp lý.
Thứ hai, khi lấy lệnh từ hãng tàu, doanh nghiệp đã phải trả các loại phí như phí chứng từ, THC, CIC, phí vệ sinh, phí bảo trì container nhưng khi trả vỏ rỗng về bãi thì trong một số trường hợp doanh nghiệp vẫn phải trả thêm phí vệ sinh thông thường (được các bãi gọi là vệ sinh công nghiệp) hoặc phí sửa chữa như xước sàn, hay phình bẹp vỏ, bẹp xà...
Đây là một vài vấn đề liên quan đến chi phí logistics của doanh nghiệp nhưng cũng là vấn đề nan giải chung mà nhiều doanh nghiệp khác đang gặp phải.
Vì vậy công ty rất mong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải logistics nói chung như hãng tàu, cảng, hay các bến bãi sẽ tìm cách giảm các chi phí liên quan ở mức phí hợp lý hơn nhằm giảm thiểu chi phí logistics của doanh nghiệp và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng – ông Vinh cho biết.
Nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Công ty TNHH SITC Logistics Việt Nam cho biết, sau ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi, nhiều doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề.
Theo dự đoán cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải như Công ty TNHH SITC Logistics Việt Nam (các đơn hàng sẽ sụt giảm gây thiệt hại về doanh thu dự kiến của công ty). Do đó, doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian tới hỗ trợ các doanh nghiệp thiệt hại sau bão miễn giảm tiền thuế, phí liên quan (như phí cảng biển, phí lưu bãi...)
Trả lời vấn đề này, Cục thuế TP Hải Phòng cho biết, ngay sau bão, với vai trò là cơ quan quản lý thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Cục Thuế đã chủ động soạn thảo tài liệu về các chính sách thuế liên quan đến trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai gửi tới toàn thể các tổ chức, cá nhân người nộp thuế trên địa bàn thành phố.
Theo quy định của pháp luật thuế, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế chung thì người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai sẽ được áp dụng chính sách gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn nộp thuế; miễn tiền chậm nộp; miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế; miễn, giảm thuế TTĐB, thuế TNCN, thuế tài nguyên và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tương ứng với mức độ thiệt hại…
Cục Thuế TP Hải Phòng sẽ hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng hồ sơ đề nghị gia hạn, miễn giảm của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nộp thuế. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác nếu có yêu cầu hỗ trợ để phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.
Với các ý kiến chưa được trả lời trực tiếp tại hội nghị, UBND TP Hải Phòng sẽ tổng hợp, gửi trả lời bằng văn bản tới doanh nghiệp – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết.