Mỗi ngày, Hải Phòng phát sinh hơn 2000 tấn rác thế nhưng thực tế mới chỉ có 2 khu xử lý cấp thành phố hoạt động chính thức, dẫn đến nguy cơ quá tải rất cao.
Đau đầu vấn đề xử lý rác
Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 1.700 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 1.100 tấn, khu vực nông thôn khoảng trên 600 tấn/ngày. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, khối lượng phát sinh từ khoảng 500 cơ sở sản xuất kinh doanh là 2,5 đến 2,7 triệu tấn/năm.
Đối với khu vực nông thôn, vấn đề phân loại rác không được chú trọng thực hiện, vì vậy, rác thải chủ yếu tập kết tại những bãi lộ thiên, đổ dọc bờ kênh mương, đồng ruộng. Nhất là khu vực tiếp giáp với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL10, đường liên huyện…rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Ông Lê Ngọc Biên – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Môi trường Hải Phòng cho biết, lượng rác thải sinh hoạt mà công ty thu gom được tại các quận nội thành khoảng 800 tấn/ ngày, cùng 01 tấn rác thải y tế. Sau khi thu gom công ty tập kết xử lý rác tại hai bãi Đình Vũ và Tràng Cát với phương pháp chôn lấp vi sinh. Hiện nay, hai bãi rác đang ở tình trạng quả tải, rác được chất cao như núi.
Theo báo cáo của Sở TNMT, mỗi năm tiếp nhận báo cáo và quản lý chất thải của gần 400 cơ sở sản xuất kinh doanh. Năm 2018, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng hơn 2,6 triệu tấn, tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2017. Toàn bộ số chất thải này được các sơ sở ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý. Nhưng chỉ khoảng dưới 10% lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái chế mặc dù khá nhiều thành phần chất thải của những doanh nghiệp này có thể được tái chế.
Trong khi đó, tình trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi, tràn lan trên địa bàn thành phố cũng đang gây bức xúc trong nhân dân, trong khi việc xử lý vừa khó, vừa thiếu chế tài. Các địa phương không hề có quy hoạch khu vực đổ và xử lý rác thải xây dựng, trong khi mỗi ngày hàng nghìn khối rác thải xây dựng bị đổ trộm ở các bãi đất trống gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Chủ công trình xây dựng chỉ thuê người chở vôi thầu, gạch vỡ khỏi công trình mà không cần quan tâm họ đổ đi đâu.
Theo Sở Xây dựng, một phần rác thải xây dựng hiện nay vẫn được sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có khu xử lý rác thải xây dựng tập trung để xử lý căn bản việc thu gom, xử lý rác thải xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
14:19, 24/05/2019
12:25, 25/05/2019
05:53, 24/05/2019
Tìm hướng giải quyết
Thành phố hiện có 6 khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố và 8 khu xử lý cấp huyện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có Khu xử lý Đình Vũ và Khu xử lý Tràng Cát đã đi vào hoạt động chính thức. Còn Khu xử lý chất thải rắn Gia Minh thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên (quy mô quy hoạch 35ha) đã được triển khai dự án theo nguồn vốn vay ODA từ năm 2004, dự kiến đến hết năm 2019 hoàn thành. Vì vậy, 2 khu này phải xử lý lượng chất thải tương đối lớn, nguy cơ dẫn đến quá tải. Hầu hết các dự án còn lại đều nằm trong tình trạng “đắp chiếu”, chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn kinh phí.
Ở cả 2 khu xử lý rác thải cấp thành phố hiện nay đều áp dụng phương thức chôn lấp để xử lý chất thải rắn. Tại khu xử lý rác Đình Vũ, ngoài chôn lấp, thử nghiệm mô hình xử lý rác Fukuoka của Nhật Bản. Do điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, mô hình này mới ở mức thử nghiệm. Chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại, hiện trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép xử lý. Ngoài ra là một số cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ và các đơn vị ngoài thành phố. Chất thải rắn nguy hại cơ bản được các chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ theo Thông tư hướng dẫn số 36 của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thu gom triệt để, lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại chưa đúng quy định.
Trước thực trạng trên, TP Hải Phòng triển khai các giải pháp quản lý tổng hợp chất thải rắn phù hợp với định hướng phát triển KTXH, quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố. Kế hoạch đề ra 8 giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý chất thải rắn, thực hiện điều chỉnh thu phí vệ sinh trên địa bàn nông thôn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị, dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng…đảm bảo phù hợp sát với thực tế.
Trong cuộc kiểm tra thực địa Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Các dự án sử dụng vốn ODA, trong đó có Dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn Hải Phòng triển khai trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội.
Theo ông Tùng, gói xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tràng Cát thuộc Dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn Hải Phòng có mục đích góp phần xử lý lượng lớn rác hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do mùi, khí, các chất hòa tan vào nước rác; thu hồi mùn hữu cơ đáp ứng nhu cầu cải tạo đất, tái tạo tài nguyên đất trong xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, nhà máy hoạt động chưa đạt hiệu quả như dự án đề ra. Do vậy Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu độc lập, đánh giá lại hiệu quả, xem xét trách nhiệm cụ thể trong đầu tư dự án. Đơn vị vận hành nhà máy là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng chuẩn bị hồ sơ, phục vụ công tác rà soát, đánh giá quá trình đầu tư, hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 100% lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, 97% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom xử lý hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.