TP Hải Phòng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, đầu tư xây dựng, hoàn thiện khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, hạ tầng các khu du lịch để trở thành trung tâm kết nối với khu vực và thế giới.
>>>Hải Phòng: Doanh nghiệp đưa mạng 5G dùng riêng vào dây chuyền sản xuất
Phát triển mô hình kinh tế xanh
Là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có hơn 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100.000km2, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn.
Theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng. Nghị quyết cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, để phát huy lợi thế là cảng biển lâu đời và lớn nhất khu vực phía Bắc, TP Hải Phòng đã tập trung đầu tư, phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. TP Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng theo hướng hiện đại. Trong đó, xây dựng hệ thống các bến tại cảng quốc tế Lạch Huyện đã trở thành 1 trong 21 cảng biển lớn của thế giới; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng nhiều cây cầu vượt sông lớn để kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình… Bên cạnh đó, TP Hải Phòng đã và đang tập trung nghiên cứu, phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh; mô hình các KCN sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
>>>Hải Phòng: Thúc tiến độ các dự án trọng điểm tại khu đô thị Bắc Sông Cấm
Đến nay, nhiều tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đã tìm hiểu, đề xuất được nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện gió tại vùng biển huyện đảo Bạch Long Vĩ.Đặc biệt, các KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền của Hải Phòng đều đã được định hướng phát triển thành KCN sinh thái. Điều này sẽ giúp địa phương này tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Bộ kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn DEEP C để định hướng bức tranh toàn cảnh các KCN của Việt Nam trong bước chuyển mình sang KCN sinh thái trong những năm tới. Trong kế hoạch chuyển đổi của DEEP C từ một KCN truyền thống sang KCN sinh thái, cũng như kế hoạch thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư thứ cấp vào sự chuyển đổi này, phía doanh nghiệp cũng đang cân nhắc đến việc xây dựng thang điểm phát triển bền vững cho mỗi nhà đầu tư thứ cấp trong tổ hợp để phản ánh những nỗ lực phát triển bền vững của họ. Nếu chúng ta đưa mô hình này lên một tầm cao hơn như là cấp độ địa phương thì sẽ thể hiện nỗ lực của mỗi địa phương trong việc mang đến một môi trường đầu tư xanh và an toàn cho những nhà đầu tư tương lai”.
Hướng tới mục tiêu lớn
Được biết, Hải Phòng hiện là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, với mục tiêu phát triển “thành phố cảng xanh”. Đặc biệt, mới đây vào tháng 4/2023, TP Hải Phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về tăng trưởng xanh. Đây được cho là bước đi tiếp theo để Hải Phòng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, để Hải Phòng sớm trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Trong đó, tập trung cao để sớm hoàn thành tuyến cao tốc ven biển từ Ninh Bình qua Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và đi Quảng Ninh; xây dựng bổ sung nhà ga T2, nhà ga hàng hóa và bãi đỗ máy bay tại sân bay quốc tế Cát Bi; xây dựng bổ sung cầu và đường Tân Vũ – Lạch Huyện 2…
Cũng theo ông Tùng, TP Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thiện 6 bến tại cảng quốc tế Lạch Huyện mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư; nghiên cứu đầu tư xây dựng luồng, kè chắn cát, đường kết nối và xây dựng 02 bến khởi động tại Cảng biển Nam Đồ Sơn; nghiên cứu thành lập KKT tự do ven biển phía Nam TP Hải Phòng ở hai bên cao tốc ven biển với diện tích khoảng 20.000ha với cơ chế vượt trội, để tạo động lực phát triển mới cho thành phố và vùng đồng bằng sông Hồng.
“TP Hải Phòng sẽ phát triển và mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, đó là phát triển đô thị hướng biển về phía đông và phía Nam, di chuyển trung tâm chính trị hành chính về phía Bắc Sông Cấm. Ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn để trở thành các trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng đạt đẳng cấp quốc tế. Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển điện gió tại khu vực Đảo Bạch Long Vĩ để phát triển thêm một ngành công nghiệp mới có nhiều tiềm năng và lợi thế”, ông Tùng nhấn mạnh.
Mới đây, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Văn Tùng đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép Hải Phòng có cơ chế đặc thù cho phép TP Hải Phòng vay vốn để sớm đầu tư các công trình giao thông thiết yếu nêu trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm