Hải Phòng: Quy định rõ hơn về trách nhiệm trong xử lý vi phạm thuỷ lợi

LAN VŨ 16/08/2023 00:30

Quy chế mới quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xử lý và phối hợp xử lý vi phạm đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP Hải Phòng.

>>>Hải Dương: Quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi

>>>Nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở Nghệ An, Hà Tĩnh xả lũ

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND quy định về phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều trên địa bàn, có hiệu lực từ 1/8/2023 thay thế cho quy chế cũ năm 2018. Quy chế mới được áp dụng cho tất cả các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo về công trình thuỷ lợi, đê điều.

Xử phạt trong thời hạn 24h

Quy chế nêu rõ, các tổ chức, cá nhân được giao khai thác công trình thủy lợi, khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc, gửi kiến nghị bằng văn bản đến UBND cấp xã để xử lý và chủ động cung cấp thông tin về công trình thủy lợi bị xâm hại, tham gia cùng UBND cấp xã kiểm tra, lập biểu bản vi phạm hành chính đại diện cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Mặt khác, đôn đốc, giám sát đối tượng bị xử phạt chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã đôn đốc, giám sát việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp đối tượng bị xử phạt chậm trễ hoặc không chấp hành quyết định xử phạt phải có văn bản kiến nghị đến người quyết định xử phạt để đôn đốc hoặc cưỡng chế thi hành.

Làm cầu qua kênh

Làm cầu qua kênh

Với Chủ tịch UBND cấp xã, quy chế quy định rõ, được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì biên bản và các tài liệu khác phải chuyển cho Chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt hoặc báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xử phạt đảm bảo trong thời hạn 24h, kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính.

Với UBND cấp huyện, khi phát hiện vi phạm hoặc tiếp nhận kiến nghị của các tổ chức, cá nhân phải chủ trì kiểm tra xác minh, hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính đảm bảo thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính thì biên bản và các tài liệu khác phải chuyển cho Chủ tịch UBND thành phố xử lý.

Bên cạnh đó, TP Hải Phòng còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy lợi cũng như xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra. Mặt khác, có trách nhiệm đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi.

Về xử lý vi phạm hành chính theo lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều được giao cụ thể cho Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công an và Thanh tra.

Cần xử lý dứt điểm vi phạm

>>>Hà Tĩnh: Bất an công trình thuỷ lợi xuống cấp

>>>SOS thủy lợi Bắc Hưng Hải!

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, tính riêng năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố phát sinh 412 hoạt động pháp luật về thuỷ lợi. Hành vi vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình trên mặt kênh, mương, xây dựng công trình phụ lấn chiếm hành lang bảo về dòng chảy…

Tại phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn), từ nhiều năm qua có tới hàng chục hộ dân tự ý bắc dầm, làm cầu qua kênh Đồng Thổ 1 để đấu nối với đường Hợp Đức.  Theo UBND phường Hợp Đức, tính đến đầu tháng 6/2023, trên tuyến kênh Đồng Thổ 1 có tới 38 cây cầu bắc qua kênh.

Tại xã Bát Trang (huyện An Lão), trên tuyến kênh KT4 có tới 77 cây cầu được xây dựng trái phép. Việc xây dựng các cây cầu này không những làm hẹp dòng kênh, cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng tới việc dẫn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Lấn chiếm lòng kênh

Lấn chiếm lòng kênh

Theo ông Phạm Văn Là – TGĐ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Tiên Lãng cho biết, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 100 trường hợp tại 16 xã, thị trấn vi phạm về Luật Thuỷ lợi khi xây dựng các công trình kiên cố tại các tuyến kênh. Đáng chú ý, tại tuyến kênh thuỷ nông Bắc Phong dài 3km (xã Kiến Thiết) có tới 40 trường hợp xây dựng cầu qua kênh, xây kè lấn chiếm lòng kênh…

Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phát hiện và xử lý phạm. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những vụ việc vi phạm pháp luật về thuỷ lợi xử lý có phần chậm, muộn do chính quyền địa phương nể nang, thiếu kiên quyết. Thậm chí, có những vụ việc mới dừng lại ở nhắc nhở, dẫn tới không đủ sức răn đe làm ảnh hưởng đến việc vận hành, ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, đặc biệt là đe dọa đến an toàn các công trình thuỷ lợi. Do đó, cần sự vào cuộc, phối hợp tốt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những tồn đọng trong vi phạm, để bảo đảm an toàn cho các công trình.

Có thể bạn quan tâm

  • Vi phạm tại Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên: Sao chỉ kiểm điểm trách nhiệm?

    Vi phạm tại Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên: Sao chỉ kiểm điểm trách nhiệm?

    10:56, 22/06/2023

  • Hải Dương: Quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi

    Hải Dương: Quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi

    00:06, 06/10/2022

  • Nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở Nghệ An, Hà Tĩnh xả lũ

    Nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở Nghệ An, Hà Tĩnh xả lũ

    09:33, 01/10/2022

  • Hà Tĩnh: Bất an công trình thuỷ lợi xuống cấp

    Hà Tĩnh: Bất an công trình thuỷ lợi xuống cấp

    13:41, 30/07/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý ngay các đối tượng gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý ngay các đối tượng gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

    21:51, 01/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Quy định rõ hơn về trách nhiệm trong xử lý vi phạm thuỷ lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO