Huyện Thuỷ Nguyên cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành thành phố, hoàn thiện thủ tục, nguồn lực để chuyển đổi huyện thành thành phố trước năm 2025.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Công nhận huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đạt chuẩn nông thôn mới
>>>Hải Phòng: Xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên
Đó là chỉ đạo của ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại buổi làm việc mới đây với huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.
Theo ông Lê Tiến Châu, huyện Thuỷ Nguyên có những tiềm năng, lợi thế to lớn về vị trí địa lý, dân số, truyền thống văn hóa lịch sử cùng sự quan tâm đầu tư đặc biệt của thành phố... Do vậy, địa phương này còn rất nhiều dư địa để phát triển bứt phá, nhất là về các ngành mũi nhọn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đây là những cơ hội để huyện phát triển bứt phá vượt lên không chỉ riêng của huyện mà vì sự phát triển chung của cả thành phố.
Thực tế, Thủy Nguyên có vị trí quan trọng về kinh tế, là đầu mối giao thông kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương và là cửa ngõ ra biển vịnh Bắc Bộ. Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện Thuỷ Nguyên luôn vượt mục tiêu, tỉ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiêp - xây dựng - dịch vụ, thu hút đầu tư trên địa bàn tăng, nhiều dự án được xây dựng mới, các doanh nghiệp cũng phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
Theo ông Phạm Văn Thép - Bí thư Huyện uỷ Thuỷ Nguyên, từ năm 2020 đến nay, huyện Thuỷ Nguyên thực hiện GPMB 60 dự án, công trình trọng điểm và 242 công trình nông thôn mới kiểu mẫu với tổng diện tích mặt bằng đã giải phóng là 417,03 ha của 16.597 hộ dân và tổ chức. Một số dự án đã hoàn thành công tác GPMB, đẩy mạnh thi công, đưa vào sử dụng.
Cũng theo ông Thép, để tiến tới phát triển huyện Thuỷ Nguyên thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng trước năm 2025, huyện Thuỷ Nguyên đề nghị TP Hải Phòng cho ý kiến về các nội dung: quy hoạch đô thị, dự thảo đề án phát triển đô thị Thủy Nguyên, dự thảo đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư để bảo đảm đạt các tiêu chí đô thị đối với 17 đơn vị hành chính dự kiến thành lập phường; có cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, hướng dẫn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính quyền đô thị và tinh giản biên chế khi sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị hành chính xã, phường trên địa bàn huyện…
Ngoài ra, địa phương này cũng đề xuất TP Hải Phòng tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường vịnh Bắc bộ tại xã Lập Lễ; bố trí nguồn lực hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng một công trình hạ tầng giáo dục, y tế... Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành TP Hải Phòng phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ huyện trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là về công tác GPMB, xây dựng thành phố Thủy Nguyên, giải quyết những vướng mắc trong quản lý đất đai…
Theo ông Lê Tiến Châu, huyện Thuỷ Nguyên cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành thành phố, hoàn thiện thủ tục, nguồn lực để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố. Trong đó, cần chủ động hơn trong tạo, huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí đô thị; nghiên cứu xây dựng các cơ chế cần được ưu tiên, từ đó báo cáo đề xuất thành phố…Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, trong đó phát huy vai trò kinh tế động lực mũi nhọn của huyện là công nghiệp; đổi mới sản xuất nông nghiệp; kiểm soát tối đa các nguồn thu, chống thất thoát thu để từ đó tạo nguồn lực đầu tư bảo đảm đạt các tiêu chí đô thị; đẩy mạnh công tác GPMB; chú trọng thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường …
>>>Thủy Nguyên làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm
Cũng theo ông Châu, về một số đề xuất, kiến nghị của huyện Thuỷ Nguyên, Thành uỷ Hải Phòng giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo sở, ban, ngành thành phố cùng huyện chủ động phối hợp xem xét, thực hiện.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, việc thiết lập chính quyền đô thị tại Thủy Nguyên sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất này, điều này cũng phù hợp với tinh thần nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng Hải Phòng thời gian tới.
Được biết, giai đoạn 2020 – 2022, huyện Thuỷ Nguyên đã đầu tư 140 công trình bằng nguồn ngân sách với tổng mức đầu tư 1413,1 tỷ đồng. Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đến hết năm 2022, có 7 xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu... Đối với nhiệm vụ triển khai đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thuỷ Nguyên, địa phương đã tập trung xây dựng quy hoạch chung đô thị Thuỷ Nguyên, đề án thành lập thành phố, đánh giá các tiêu chí đô thị và phường, đề xuất danh mục đầu tư…
Trước đó vào cuối năm 2020, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành thông báo số 42 thông báo ý kiến của Ban thường vụ Thành ủy về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; ban hành văn bản số 7715 về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên.
Cũng trong khoảng thời gian này, UBND TP Hải Phòng đã có tờ trình gửi Bộ Nội vụ báo cáo thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Đến ngày 8/1/2021, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi UBND TP Hải Phòng thống nhất về chủ trương xây dựng Đề án thành phố thuộc TP Hải Phòng trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Thủy Nguyên.
Có thể bạn quan tâm