Hải Phòng: Tìm cách chuyển hướng nước thải

LAN VŨ 14/12/2021 11:33

Sở NN&PTNT Hải Phòng đề xuất chuyển hướng nước thải đang chảy vào các tuyến sông Giá và sông Đa Độ thoát ra các tuyến sông tự nhiên không cấp nước cho sinh hoạt.

>>>Báo động ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt

>>>Giải pháp “chặn” ô nhiễm nguồn nước và hạn chế các dòng sông "chết"

Theo ông Đỗ Gia Khánh - Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, đặc điểm của nguồn nước ngọt của Hải Phòng là vừa cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch vừa là nơi tiếp nhận toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của dân cư trong lưu vực.

Năm 2019, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải đã phân tích mẫu nước sông Rế, cho thấy, chỉ số Permanganat đo được là 8,86mg/L (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số Amoni (N) đo được 4,60mg/L (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30mg/L); chỉ số Mangan là 0,272 (chỉ số cho phép không vượt quá 0,200mg/L).

Không chỉ riêng sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ đều đang trong mức báo động về ô nhiễm. Trong đó, Sông Đa Độ được đánh giá đang ô nhiễm nặng nhất vì hiện nay, trên hệ thống sông Đa Độ có tới 120 cơ sở công nghiệp, trang trại và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ và gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư tập trung đang xả nước thải sinh hoạt ra khu vực lòng sông.

Kết quả quan trắc mới nhất của Sở TNMT Hải Phòng, cho thấy trong tổng số 30 mẫu lấy quan trắc tại sông Đa Độ chỉ có 47% mẫu đạt chỉ tiêu đầu vào cung cấp nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt và có tới 10% mẫu bị ô nhiễm nặng.

Cùng với đó là việc biến đổi khí hậu với các hiện tượng nước biển dâng và thiếu hụt nước đầu nguồn bổ cập về hạ lưu dẫn tới tình trạng mặn xâm nhập sâu vào hệ thống các sông cung cấp nước thô cho sản xuất nước sạch.

Sông Rế đang cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phụ vụ 80% dân số Hải Phòng

Sông Rế đang cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phụ vụ 80% dân số Hải Phòng

Được biết, từ đầu tháng 11/2019 đến nay độ mặn nước thô tại một số nguồn nước sinh hoạt Hải Phòng có hiện tượng tăng cao hơn nhiều lần, có thời điểm vượt quá giới hạn chỉ tiêu về độ mặn được quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Cụ thể, tại trạm Quán Vĩnh (sông Rế) được đo từ ngày 3-7/11/2019, hàm lượng muối (Clorua) là 118,2mg cao gấp 8 lần so với trung bình năm 2018. Cũng từ ngày 3-7/11/2019, tại nhà máy nước Vật Cách (sông Vật Cách) hàm lượng muối là 139,5mg cao gấp 9,2 lần so với trung bình năm 2018. Tại nhà máy nước Vĩnh Bảo (kênh Chanh Dương) vào hai ngày 15 và 16/11 hàm lượng muối là 395mg vượt quá giới hạn theo quy chuẩn cho phép (giới hạn cho phép là 250mg). Vào ngày 17/11/2019, tại nhà máy nước Cầu Nguyệt (sông Đa Độ) hàm lượng muối là 486,4mg cao gấp 43,5 lần so với trung bình năm 2018.

Ông Trần Việt Cường - Chủ tịch HĐQT công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, tại Hải Phòng, nguồn nước ngọt ngày càng bị suy yếu cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến nguy cơ thiếu nước vào mùa kiệt, ô nhiễm nguồn nước thô, độ mặn có nhiều lúc xâm nhập sâu vào nội địa đã ảnh hưởng và gây áp lực cho việc tiếp nhận nguồn nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất của thành phố.

Với tình trạng một số chỉ tiêu ô nhiễm đang ở mức cao, đặc biệt với tốc độ gia tăng ô nhiễm rất đáng báo động, kết hợp với xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp… chất lượng nước thô cung cấp cho sản xuất nước ăn uống, sinh hoạt trong thời gian tới là rất đáng báo động, nguy cơ vượt quá khả năng của các dây chuyền xử lý nước của các nhà máy nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và kịp thời - ông Cường cho biết.

Dọc kênh Bắc Nam Hùng xuất hiện nhiều cửa xả gây ô nhiễm môi trường.

Dọc kênh Bắc Nam Hùng xuất hiện nhiều cửa xả gây ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đỗ Gia Khánh cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 nguồn nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố, bao gồm: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, kênh Hòn Ngọc, kênh Chanh Dương và kênh Trục 1 (hệ thống trung thuỷ nông) Tiên Lãng. Thời điểm hiện tại, sản lượng nước thô khai thác đạt khoảng 270.000m3/ngày đêm (trữ lượng khoảng 130 triệu m3/năm), riêng sản lượng khai thác từ sông Rế và kênh An Kim Hải (đầu nguồn sông Rế) là 210.000m3/ngày đêm, chiếm gần 80% tổng sản lượng nước thô cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sách trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, những năm gần đây chất lượng, trữ lượng đang có nguy cơ suy giảm do ô nhiễm môi trường nước và xâm thực nước mặn.

>>Giải pháp “chặn” ô nhiễm nguồn nước và hạn chế các dòng sông "chết"

>>Báo động ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt

Để bảo vệ nguồn nước, Sở NN&PTNT đề xuất và tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải; rà soát, chuyển hướng nước thải đang chảy vào các tuyến sông Giá và sông Đa Độ thoát ra các tuyến sông tự nhiên không cấp nước cho sinh hoạt.

Ông Khánh cho biết, Hải Phòng dự kiến sẽ khảo sát và chuẩn bị phương án đầu tư 15 công trình trên các tuyến sông Giá và kênh Hòn Ngọc (huyện Thuỷ Nguyên); xây dựng các công trình bổ sung nguồn nước chất lượng tốt; nâng cấp hệ thống Đa Độ giai đoạn 2, kinh phí từ nguồn ngân sách TƯ; thực hiện các giải pháp về điều tiết, thường trực canh mặn, tận dụng tối đa thời gian lấy nước vào hệ thống thuỷ lợi tạo dòng chảy trong các tuyến kênh, tuyến sông nội đồng làm tăng khả năng tự làm sạch nguồn nước; giảm thiểu tác động của các nguồn thải; đôn đốc, hướng dẫn các công ty khai thác công trình thuỷ lợi hoàn thiện phương án cắm mốc hành lang bảo vệ trong năm 2022; chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý ngay từ đầu các vi phạm Luật Thuỷ lợi, trong đó có các vi phạm về xả thải; kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nhà máy, cơ sở sản xuất trong phạm vi lưu vực nguồn nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ (không thuộc đối tượng phải cấp phép).

Đối với sông Rế, UBND thành phố đang trình HĐND thành phố chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng các công trình chuyển hướng nước thải của toàn bộ các khu dân cư, làng nghề, nguồn thải từ kênh Bắc Nam Hùng trong lưu vực tiếp nhận của sông Rế chuyển ra sông Cấm và sông Lạch Tray; xây dựng 2 cống và các công trình phụ trợ để bổ sung nguồn nước vào sông Rế từ thượng nguồn với tổng kinh phí dự kiến hơn 90 tỷ đồng. UBND TP chỉ đạo UBND huyện An Dương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải đầu tư xây dựng các công trình để ngăn không cho các nguồn thải còn lại không xả vào sông Rế - ông Khánh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bãi rác ô nhiễm nguồn nước: Trên chỉ đạo, dưới phớt lờ!

    Bãi rác ô nhiễm nguồn nước: Trên chỉ đạo, dưới phớt lờ!

    11:30, 26/11/2020

  • Hải Phòng: Nuôi cá trái phép, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

    Hải Phòng: Nuôi cá trái phép, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

    04:30, 23/07/2020

  • Ô nhiễm nguồn nước Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Khắc phục ô nhiễm bằng dự án... gây ô nhiễm

    Ô nhiễm nguồn nước Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Khắc phục ô nhiễm bằng dự án... gây ô nhiễm

    11:05, 04/06/2020

  • Ô nhiễm nguồn nước - Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Tổng cục Thủy lợi yêu cầu báo cáo

    Ô nhiễm nguồn nước - Hải Dương thờ ơ, Hải Phòng lãnh đủ: Tổng cục Thủy lợi yêu cầu báo cáo

    04:50, 07/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Tìm cách chuyển hướng nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO