Tuyến đường bộ ven biển có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai vẫn chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
>>>Hải Phòng thúc tiến độ dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT mới Bắc Sông Cấm
>>>Hải Phòng: Sẽ cưỡng chế thu hồi đất "vàng" bỏ hoang 14 năm
Phê bình kiểm điểm lãnh đạo nếu để chậm...
Vừa qua, tại buổi đi kiểm tra thực địa của dự án, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ rõ: Đối với các quận, huyện tuyến đường đi qua, phải ưu tiên tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng kết hợp bố trí tái định cư cho người dân. Trong việc này, lãnh đạo các địa phương phải vào cuộc và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố, đưa vào thành một nội dung kiểm điểm hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với huyện Tiên Lãng, địa phương còn nhiều hộ dân chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, trong đó có những hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao, có hộ dân tổ chức xây nhà tạm trên đất đã được cắm mốc, ông Bí thư cho rằng, công tác vận động người dân của huyện chưa tốt, huyện chưa sâu sát cơ sở và chưa tổ chức giám sát hiệu quả, cần rút kinh nghiệm ngay và khẩn trương tháo gỡ, kiên quyết không để phát sinh những vấn đề phức tạp. Ông Quang đã yêu cầu: trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh, không để kéo dài.
Ban quản lý (BQL) dự án và các nhà thầu phải tổ chức họp, xây dựng đường găng tiến độ hợp lý, thực hiện quyết liệt và nhịp nhàng để bảo đảm tiến độ trước Tết Nguyên đán năm 2023 hoàn thành đoạn tuyến từ quận Đồ Sơn (giao với đường Phạm Văn Đồng) đến đường 212 huyện Tiên Lãng và đến dịp 30/4/2023 hoàn thành toàn tuyến nối Hải Phòng- Thái Bình. Đồng thời, tổ chức quản lý dự án theo đúng quy định.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Tuấn Anh – Tổng giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: Đến nay, dự án liên quan đến tuyến đường bộ ven biển còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trong đó địa bàn huyện Kiến Thụy còn 1 hộ dân (đã nhận tiền) chưa bàn giao hết mặt bằng; địa bàn huyện Tiên Lãng còn 15 hộ dân với tổng diện tích đất thu hồi 17.927 m2 chưa bàn giao mặt bằng. Tại địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) còn 17 hộ dân chưa bàn giao. Trong công tác thi công, các nhà thầu của dự án đều đang tổ chức các mũi triển khai đồng loạt.
Theo Tổng giám đốc BQL dự án, đối với dự án mở rộng đường ven biển do TP Hải Phòng đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, tại địa bàn quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy, bên cạnh việc đào đất 6,9 km, các nhà thầu bắt đầu thảm nhựa hạt thô và thi công thêm một đơn nguyên cầu Lạch Họng. Tại địa bàn huyện Tiên Lãng, cùng với đào đất, đắp nền, các nhà thầu cũng đang thi công thêm đơn nguyên cầu vượt qua đường huyện 212… Tổng giá trị thực hiện đạt 170 tỷ đồng, tương ứng 24,85% hợp đồng.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng không phải thực hiện công tác GPMB vì đã thực hiện tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư. Sau khi cả 2 dự án hoàn thành, gần 20 km đường ven biển trên địa phận TP Hải Phòng sẽ là tuyến đường đôi mặt cắt hơn 24 m. Dự án bắt đầu thi công từ tháng 7/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022.
Giải quyết triệt để không để lùi tiến độ
Trước đó, vào cuối tháng 1/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến kiểm tra dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, hiện công trình đã được bàn giao đầy đủ về mặt bằng, sẵn vật liệu, cũng như đã bố trí đủ vốn, do đó hoàn toàn có cơ sở để rút ngắn tiến độ thực hiện. Đồng thời, đề nghị TP Hải Phòng chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương tháo gỡ một số vướng mắc, huy động phương tiện, nhân lực, tổ chức thi công 2 ca liên tục để rút ngắn tiến độ từ 15 tháng xuống còn khoảng 9 tháng.
>>>Hải Phòng: Sẽ cưỡng chế thu hồi đất "vàng" bỏ hoang 14 năm
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Dự án đầu tư xây dựng đường ven biển nối TP Hải Phòng với tỉnh Thái Bình qua 5 địa phương, trong đó với 4 địa phương ở Hải Phòng và huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). Vì thế, đẩy nhanh tiến độ công trình là yêu cầu cấp thiết. Theo ông Thọ, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng dự án đường ven biển chưa tốt là do các địa phương chưa sâu sát, thậm chí những hộ dân đã nhận được tiền, nhưng địa phương chưa phối hợp tốt, bảo vệ nhà thầu thi công, dẫn đến chậm trễ thi công một số hạng mục, phải thực hiện ngay khi nhà thầu đề nghị. Liên quan đến công tác chuẩn bị cưỡng chế các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành của thành phố rà soát, thực hiện đầy đủ các nội dung về đối thoại, lập hồ sơ, vận động, tuyên truyền.
Giao Sở Tài nguyên- Môi trường chủ trì phối hợp với huyện, thực hiện nghiêm túc công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, bàn giao mặt bằng tại chân cầu Văn Úc hoàn thành trong tháng 3/2022; huyện Kiến Thụy vận động 1 hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng trong tháng 3 trên cơ sở áp dụng đầy đủ cơ chế, bảo đảm sự đồng thuận của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây dựng số 1: Dự án đường ven biển đi qua Hải Phòng sẽ phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chủ đầu tư cũng yêu cầu các đơn vị thi công bám sát công trường, cụ thể từng hạng mục công việc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; tập trung cao nhất mọi nguồn lực, lập và quản lý tốt kế hoạch tiến độ thi công công trình… Đồng thời, đề nghị các nhà thầu tập trung, huy động máy móc, thiết bị, tài chính, nhân lực để triển khai thi công công trình. Trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, thực hiện dự án bảo đảm đúng tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm