Sau hơn 1 thập kỷ tồn tại, chợ Sắt – biểu tượng thương mại một thời của TP Hải Phòng sẽ nhường chỗ cho tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao.
Ngày nay, chợ Sắt đã gần như mất tên trên bản đồ thương mại của Hải Phòng. Thế hệ trẻ không mấy người biết về quá khứ “oai hùng” của chợ Sắt. Chợ dường như hoạt động không hiệu quả, tồn tại như một “phế tích” với các công trình xuống cấp nhìn nhếch nhác, ảm đảm như một “lâu đài hoang” giữa trung tâm thành phố.
“Xóa sổ” chợ Sắt
UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Quyết định 2122 phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt.
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng công trình cao 40 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích khu đất lập dự án 15.200m2; mật độ xây dựng khối đế 46,05%; mật độ xây dựng khối tháp 40%; chiều cao công trình từ mặt sân tới sàn mái 146m.
Theo UBND TP Hải Phòng, dự kiến chi phí thực hiện dự án, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là hơn 6.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn từ vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn đầu tư công. Thời hạn đầu tư là 50 năm; tiến độ đầu tư 39 tháng, trong đó thời gian giải phóng mặt bằng 3 tháng, thực hiện đầu tư xây dựng dự án 36 tháng. Diện tích khu đất là 15.200m2; mục đích sử dụng đất: đất công cộng cấp thành phố (thương mại, dịch vụ).
UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, hiện trạng khu đất thực hiện dự án chưa được giải phóng mặt bằng. Khu đất thực hiện dự án chính là khu vực chợ Sắt gồm 3 thửa đất.
Thửa đất số 1 (diện tích 4.715m2) gồm tòa nhà trung tâm thương mại chợ Sắt 6 tầng do Công ty Liên doanh hữu hạn Hải Thành đang quản lý.
Thửa đất số 2 (diện tích 6.000 m2) và thửa đất số 3 (diện tích 1.500 m2) gồm chợ tạm do Công ty Liên doanh hữu hạn Trường Thành đang quản lý. Phần diện tích đất còn lại là sân đường nội bộ.
Quyết định nêu rõ, giao Sở KHĐT thành phố công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt theo quy định.
Đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc lập báo cáo kê khai, đề xuất và lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tài sản công là tầng 1, tầng 2 Trung tâm thương mại chợ Sắt, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét, phê duyệt trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc trước khi chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng giao Sở TNMT, Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tính toán, phê duyệt chi phí và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án theo quy định.
Trước đó, năm 2019 cũng đã lên phương án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao tại khu vực này. Tuy nhiên đa số người dân, các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Sắt đều lên tiếng phản đối.
Nhiều người cho rằng, Hải Phòng có nhiều vị trí để xây khách sạn, trung tâm thương mại, cớ gì phải xây tại vị trí ngôi chợ nổi tiếng này. Thực tế là các trung tâm thương mại bây giờ mọc ra ở khắp nơi, nhiều nơi cũng ế ẩm. Nhưng Hải Phòng chỉ có một chợ Sắt, chợ Sắt sẽ mất đi cái hồn nếu kinh doanh các mặt hàng khác hay trở thành một trong những trung tâm thương mại na ná giống những trung tâm thương mại khác. Thay vì xóa bỏ tại sao chúng ta không phục dựng, tôn tạo, quy hoạch phù hợp để phát triển thành một điểm đến du lịch.
Biểu tượng một thời
Chợ Sắt Hải Phòng vốn nổi tiếng đến mức có câu nói “chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng” hay “cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có”.
Chợ này được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được gọi là Chợ Lớn. Nhưng do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi (ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung) lại có lợi thế bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.
Sang thời bao cấp, chợ Sắt lần nữa được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985). Tháp nước bị phá. Bù lại, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thuỷ thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình - tất cả đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc.
Đã từng có thời kỳ, ai đến Hải Phòng (người Hà Nội, người Sài Gòn...) cũng muốn (hoặc được mời) đi chợ Sắt, để trầm trồ, để ngắm nghía, để tiếc rẻ vì... thiếu tiền! Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có "giấy chứng nhận" về sự giàu có.
Đến tháng 5/1992, chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ 5 tầng, trở thành công trình liên doanh đầu tiên của Hải Phòng với nước ngoài (Quảng Tây, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.
Một nửa chợ Sắt nhanh chóng hoàn thành vào năm 1993. Tuy nhiên, nỗi thất vọng đến rất nhanh. Dân tình, cả những người gốc chợ Sắt, cũng chẳng mặn mà dọn về chợ mới cửa kính, tường gương! Cả ngày và đêm, lúc nào chợ Sắt cũng vắng tanh như… chợ chiều!. Các nhà đầu tư chán nản đã bỏ một nửa chợ Sắt cho đám cỏ dại, khiến cho một nửa còn lại bị người Hải Phòng gọi đùa vui là “ Chiếc bánh ga tô ăn dở!”.
Chợ Sắt Hải Phòng nổi danh một thời giờ chỉ còn một vài hộ kinh doanh đồ điện tử ngoài mặt tiền chợ còn khá đông khách ghé qua. Phía trong chợ, những quầy hàng bán buôn, bán lẻ chỉ lác đác vài khách ngó nghiêng. Cầu thang lên tầng 2 của chợ với chiếc băng chuyền máy (có lẽ là hiện đại nhất thời nó xuất hiện tại đây) thì nay nằm im phủ bụi, han gỉ. Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng mênh mông không một bóng người. Tiểu thương chợ Sắt giờ đây chỉ ngồi ngao ngán mơ “bao giờ cho đến… ngày xưa”.
Đã từng có người than phiền rằng: Lãnh đạo Hải Phòng chắc đã bỏ quên nơi đây. Khôi phục lại “niềm tự hào” này hay xóa sổ nó? Cách nào cũng tốt, miễn là đừng để chợ Sắt tồn tại như một “phế tích”. Đến lúc này thì chợ Sắt chết thật!. Điều này sẽ khiến cho không ít người yêu Hải Phòng cảm thấy tiếc nuối.
Có thể bạn quan tâm
Central Retail Khai trương Trung tâm Thương mại lớn nhất tại Thái Nguyên
22:08, 29/04/2021
Hưng Yên: 100% dự án trung tâm thương mại không phù hợp quy hoạch
07:00, 06/04/2021
Bán lẻ đổ xô vào trung tâm thương mại sau đại dịch
09:30, 30/03/2021
TP. Hồ Chí Minh: Trung tâm thương mại Saigon Square bị kiến nghị đóng cửa vì đâu?
11:45, 20/01/2021