Cục Hải quan Quảng Nam duy trì các hoạt động đối tác Hải quan - doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam khẳng định việc hỗ trợ doanh nghiệp luôn được đưa lên hàng đầu.
- Thưa ông, năm 2024 được xem là một năm hoạt động khá vất vả của lực lượng Hải quan nói chung, vậy đối với Hải quan Quảng Nam trong năm qua đã xây dựng kế hoạch thế nào?
Với đặc điểm của Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã xây dựng và được Tổng cục Hải quan phê duyệt “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”. Cùng với đó, đơn vị đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-HQQNa ngày 24/01/2024 về Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, phát triển và hiện đại hóa trọng tâm năm 2024 và Quyết định số 176/QĐ-HQQNa ngày 22/5/2024 về việc ban hành Hệ thống tiêu chí giám sát, chỉ số đo lường, đánh giá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và kế hoạch thực hiện quản trị “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”.
Để hoàn thành kế hoạch công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, đơn vị đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều văn bản như Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin năm 2024, Kế hoạch phát triển quan hệ Đối tác Hải quan- Doanh nghiệp năm 2024, Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, Kế hoạch Đối thoại với doanh nghiệp năm,... Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin cho người khai hải quan, thực hiện các biện pháp, hỗ trợ tối đa, kịp thời các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đặc biệt là tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong năm, đã giải đáp vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân: trực tiếp 86 lượt, qua điện thoại gần 500 lượt, bằng văn bản 25 lượt, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp 27 lượt và đăng tải hơn 50 tin bài về hoạt động hải quan, các thông tin chính sách pháp luật lên Cổng thông tin điện tử của Cục,...
- Với những hành động cụ thể như vậy, xin ông cho biết kết quả đạt được của đơn vị trong năm qua?
Tính đến 15/12, toàn Cục đã giải quyết thủ tục hải quan cho hơn 610 doanh nghiệp, thực hiện thông quan hàng hóa cho 144.594 tờ khai.Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 4.519 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1.990 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt 2.318 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ).
Đồng thời, đơn vị đã giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho 336 lượt phương tiện vận tải đường biển và 112.156 lượt phương tiện vận tải đường bộ. Thực hiện thủ tục thông quan đối với mặt hàng quặng bauxit kinh doanh tạm nhập tái xuất 583 tờ khai với tổng khối lượng đạt hơn 251 nghìn tấn.
Năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 3.500 tỉ đồng. Ngay từ đầu năm, Cục đã triển khai các giải pháp quyết liệt thực hiện thu NSNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao quản lý nhà nước về hải quan và triển khai nhiệm vụ thu NSNN.
Đến 15/12, số thu NSNN toàn Cục đạt 7.138 tỉ đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ, thực hiện hoàn thuế với số thuế gần 2.439 tỉ đồng, dẫn đến số thực thu NSNN đạt 4.699 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, đạt hơn 134% so với chỉ tiêu giao (3.500 tỉ).
- Với mức thu tăng cao như vậy, công tác giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp được đơn vị triển khai thế nào, thưa ông?
Để đảm bảo hoạt động XNK được thông suốt, đơn vị đã tổ chức giám sát hàng ra vào kho ngoại quan, bãi cảng đảm bảo đúng quy định. Trong quá trình hoạt động, các địa điểm này đã duy trì, đảm bảo các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Cục Hải quan Quảng Nam cũng kiểm tra định kỳ tình hình hoạt động của kho ngoại quan, chấp hành pháp luật hải quan của chủ kho ngoại quan và kiểm tra việc thực hiện theo dõi, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Các Chi cục được cấp seal định vị điện tử đã triển khai thực hiện niêm phong đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đảm bảo đúng theo quy định và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Hàng hoá vận chuyển chịu sự giám sát hải quan được vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian đăng ký, đảm bảo nguyên trạng và nguyên niêm phong của cơ quan hải quan, đến nay, chưa phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm các quy định về vận chuyển hàng hoá chịu sự giám sát hải quan. Trong thời gian qua, các Chi cục đã thực hiện thu thập, phân tích, đánh giá về thông tin doanh nghiệp, năng lực sản xuất, kiểm tra, giám sát xử lý vật tư nguyên liệu dự thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc thiết bị, tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư, kiểm tra báo cáo quyết toán.
Toàn Cục cũng đã phát hiện và xử lý 159 vụ vi phạm hành chính với số tiền 3.465,43 triệu đồng, tăng 5,29%về số vụ và giảm 42,71% về số tiền so với cùng kỳ năm 2023.
- Vậy thì, công tác phòng chống tội phạm được triển khai thế nào, thưa ông?
Trong năm 2024, tình hình hoạt động các loại tội phạm diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, tiền chất, vàng, ngoại tệ, hàng thuộc Cites, SHTT… từ nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, có sự móc nối trong và ngoài nước, hoạt động liên tỉnh, hình thành đường dây ổ nhóm...
Với đặc điểm địa bàn quản lý rộng, dàn trải từ biên giới đường bộ đến cảng biển, các khu, Cụm công nghiêp, kho ngoại quan, doanh nghiệp chế xuất…; biên chế ít, lực lượng làm công tác kiểm soát mỏng, kinh nghiệm đấu tranh, phòng ngừa không nhiều, đặc biệt là cấp Chi cục đa phần là kiêm nhiệm, công tác nghiệp vụ nhiều, áp lực thông quan lớn… Vì vậy tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn quản lý có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra vi phạm.
Ngay từ đầu năm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã quán triệt hành động trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của lực lượng Hải quan trong tình hình mới. Duy trì kỷ luật, kỷ cương, tăng cường các công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan.
Đến nay, toàn Cục đã thực hiện 180/110 lượt tuần tra, đã xử lý 05 vụ việc liên quan đến pháo, tê tê và ma túy.
- Trong năm 2025, xin ông cho biết kế hoạch của đơn vị là gì?
Dĩ nhiên, Cục Hải quan Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác thu ngân sách, quy trình liên quan lĩnh vực thuế, thực hiện các chế độ,... Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thu NSNN; tập trung đánh giá, phân tích kỹ các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc tăng, giảm số thu để xử lý vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng đến nguồn thu.
Cục cũng sẽ tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu qua công tác xác định trị giá, mã số; rà soát trên hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu danh mục hàng hoá, biểu thuế và phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để chấn chỉnh kịp thời. Xử lý kịp thời vướng mắc về chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp NSNN; rà soát kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung sơ hở, ngăn chặn gian lận, thất thoát tiền thuế.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát phân loại nợ thuế, hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin đối với các phương tiện, đối tượng có nghi ngờ liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất để xác lập các chuyên án đấu tranh hiệu quả, chú trọng vào các hàng hóa mở tờ khai vận chuyển độc lập, quá cảnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!