Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 23/5, Đại biểu quốc hội nhấn mạnh về việc hàng chục nghìn căn nhà tái định cư ở TP.HCM, Hà Nội bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực.
>>> Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: Tránh hệ lụy
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, hiện nay trên thị trường bất động sản đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Chính vì vậy cần phải có phương án và kế hoạch để điều chỉnh cho hợp lý.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nhà ở xã hội có nơi thì thừa nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp. Chính vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân rất mong mỏi, chờ đợi điều này.
Đặc biệt, bà Yên nhấn mạnh về việc hàng chục nghìn căn nhà tái định cư ở TP.HCM, Hà Nội bị bỏ hoang phế, gây lãng phí lớn về nguồn lực tài chính công, trong khi người dân còn thiếu chỗ ở. "Tôi thấy chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan", bà Yên nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết cũng chứng kiến hàng loạt căn hộ chung cư, tái định cư ở huyện Gia Lâm, Hà Nội trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn.
>>Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa thu hút người vay
"Trong khi đó, giá chung cư vừa qua tăng rất cao, nhu cầu của người dân nhiều nhưng chúng ta lại để lãng phí. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đưa những căn hộ này vào sử dụng", ông Hiếu nói.
Về giải pháp, theo ông Hiếu, việc đấu giá đã được nhiều địa phương tính đến song có thể chưa tìm được mức giá phù hợp. Ngoài ra, đại biểu đoàn Bình Định đề cập đến giải pháp cho thuê những căn hộ này với đối tượng thuê là người thu nhập thấp.
Trong dài hạn, ông Hiếu nhấn mạnh các khu tái định cư, ngoài giá đền bù thoả đáng, khi xây dựng cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an sinh xã hội. "Xây tái định cư mà xung quanh không có trường học, bệnh viện thì không ai yên tâm trở về", ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Theo số liệu mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuất hiện nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Tại Hà Nội, khoảng 4.000 căn đang bị bỏ hoang. Tương tự, trên địa bàn TP.HCM cũng có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ...
Lý giải về tình thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS phân tích do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.
Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.
Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông... làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.
Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.
Để tránh lãng phí, VARS đề xuất bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội vào cùng một phân khúc. Cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm