Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 là một trong những điều kiện chính về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ, góp phần nâng tầm hàng không Việt Nam.
Chiều nay 15/2, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ trao Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam.
Mở đường bay thẳng đến Mỹ có thể xem là cơ hội rất tốt để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, nhưng cũng trở thành một thách thức lớn đối với các hãng hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện tất cả quốc gia trên thế giới đều chịu sự giám sát an toàn của Tổ chức Hàng không thế giới (ICAO). Riêng Mỹ có quy định muốn bay đến nước này phải chịu Chương trình thanh sát của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
CAT1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là cơ quan kỹ thuật của Liên Hợp Quốc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và đưa ra khuyến nghị để vận hành và bảo trì máy bay.
Theo đó, một quốc gia nếu có nhu cầu thiết lập đường bay thương mại vào Mỹ phải đạt chuẩn an toàn CAT1.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, đạt CAT 1 mới chỉ là một trong những điều kiện chính về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ, góp phần nâng tầm hàng không Việt Nam trên thị trường hàng không quốc tế .
Ngoài ra, để được chính thức chấp thuận bay đến Mỹ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như vấn đề thủ tục an ninh, nguồn lực tài chính của các hãng hàng không trong nước.
Mở đường bay thẳng đến Mỹ có thể xem là cơ hội rất tốt để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, nhưng cũng trở thành một thách thức lớn đối với các hãng hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Từ năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không CAT 1, sau đó Cục Hàng không đề nghị Boeing hỗ trợ tư vấn tăng năng lực. Năm 2013, sau khi chuẩn bị xong, FAA đã vào đánh giá kỹ thuật lần đầu và phát hiện 49 điểm chưa đáp ứng, quá nửa là lỗi hệ thống, trong đó có việc chính sách hàng không chưa đầy đủ, tổ chức chưa đạt yêu cầu...
Đến năm 2017, thời điểm các hãng hàng không của Việt Nam muốn khai thác thị trường Mỹ, Cục Hàng không quyết định khởi động lại kế hoạch này. Cuối tháng 11/2018, FAA thực hiện đợt thanh sát chính thức đối với hàng không Việt Nam. Kết quả 4 lĩnh vực được FAA đánh giá tốt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, công cụ quản lý và tổ chức hàng không dân dụng.
"Đạt CAT 1 là điều kiện cần để các hãng hàng không của Việt Nam mở đường bay đến Mỹ và tạo thuận lợi rất lớn cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không hai bên", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không nói.
Trước đó, năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm
00:04, 03/02/2019
08:21, 29/01/2019
08:42, 27/01/2019
23:34, 25/01/2019
Mạng đường bay quốc tế được xác định cụ thể hướng tới các thị trường trọng điểm gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Úc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi…Trong đó, riêng với đường bay đến Mỹ theo định hướng phát triển, Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ tây nước Mỹ (Los Angeles và San Francisco) trong năm 2018 nhưng chưa đạt được.
Hiện Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đã lên kế hoạch mở đường bay đến Mỹ, trong đó Vietnam Airlines dự định bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2019.
Trước khi có đường bay thẳng, khi bay từ Việt Nam sang Mỹ, hành khách sẽ phải bay ít nhất là hai chuyến. Từ Việt Nam quá cảnh (transit) ra một nước quốc tế nào đó ở Châu Á (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore...), sau đó từ trạm trung chuyển quốc tế này, hành khách mới có chuyến bay đến Mỹ.
Được biết, hiện nay có hơn 10 hãng hàng không khai thác chặng bay Việt Nam đi Mỹ tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất (như United Airlines; American Airlines; Northwest Airlines; Eva Air; China Airlines; Singapore Airlines...).
Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3 - 5 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25 - 38 giờ.