Các ngân hàng tại Khánh Hòa đã khởi kiện ra TAND TP Nha Trang đối với 10 ngư dân vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014 vì không trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, các Chi nhánh Tổ chức tín dụng (TCTD) đã ký hợp đồng tín dụng (HĐTD) cho vay 31 tàu gồm: 28 tàu đóng mới và 03 tàu nâng cấp với số tiền cam kết cho vay 292,56 tỷ đồng và đã giải ngân 288,47 tỷ đồng, đạt 98,59%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2019 việc thu nợ gốc chỉ mới được 25,94 tỷ đồng, trong khi nợ xấu đã lên đến hơn 103 tỷ đồng. Hiện nay, 31 tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động khai thác.
“Chây ỳ” trả nợ
Từ tháng 5/2015 đến đầu năm 2018, các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng HĐTD đã ký kết với ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, từ tháng 4/2018, các khoản vay theo Nghị định 67 bắt đầu phát sinh nợ xấu và có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng toàn tỉnh và hiệu quả thực hiện chính sách theo Nghị định 67.
Theo ông Mai Thành Phúc , xã Phước Đồng (Nha Trang): Năm 2018, ông chỉ đi được 3 chuyến biển, lỗ 180 triệu đồng. Đầu năm 2019, ông Phúc chỉ đi được 1 chuyến duy nhất, nhưng vẫn lỗ hơn 30 triệu đồng.
Trong số này, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng với 20 chủ tàu, số vốn đã giải ngân hơn 207 tỷ đồng và nợ xấu hiện trên 57 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 30%. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa ký hợp đồng tín dụng với 10 chủ tàu và giải ngân được gần 75,8 tỷ đồng, nhưng nợ xấu lên đến gần 46 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 66%. Còn lại là Ngân hàng Ngoại Thương Chi nhánh Nha Trang đã ký 1 hợp đồng tín dụng cho 01 tàu và đã giải ngân 4,99 tỷ đồng, thu nợ 1,56 tỷ đồng, dư nợ 3,43 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, các Chi nhánh TCTD đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù ngân hàng rất thiện chí cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất, nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại; không hợp tác, không mua bảo hiểm khi hết hạn bảo hiểm, có tư tưởng trông chờ nhà nước xóa nợ; một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý dùng các nguồn thu này để trả nợ ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 15/09/2019
11:30, 12/09/2019
11:04, 06/08/2019
05:24, 02/06/2017
Tương lai nào khi đưa nhau ra tòa?
Việc một số ngân hàng khởi kiện hàng loạt ngư dân đóng tàu theo NĐ 67 tại Khánh Hòa để đòi nợ vay, thu giữ tàu cá đang tạo ra áp lực lớn đến tư tưởng và đời sống của nhiều ngư dân. Liệu rằng sau khi kéo nhau ra tòa, thu giữ tàu, phát mãi tài sản… thì viễn cảnh không mấy "sáng sủa" sẽ đến cho cả 2 bên?
Ông Dương Cao Hoan (ngư dân bị khởi kiện, trú phường Vĩnh Trường) cho biết, sáng 3/4, ông đã đến tòa án theo đơn triệu tập về việc bị ngân hàng Agribank Khánh Hòa khởi kiện. Trước mắt, tòa án yêu cầu các bên tiến hành hòa giải và ông cũng đã trình bày nguyên nhân dẫn đến việc không thể trả nợ vay để tòa án, cũng như ngân hàng xem xét lại.
Theo ông Hoan, thứ nhất là do biển "đói" cá; thứ hai là do tàu liên tục bị hư hỏng. Ông Hoan trình ra là hàng loạt chứng từ ghi nhiều hư hỏng trong các năm 2017, 2018. Mới nhất là ngày 23/3/2018, giữa ông Hoan và đơn vị đóng tàu là Viện Nghiên cứu và chế tạo tàu thủy (trường Đại học Nha Trang) đã thống nhất cắt bỏ 2 đà tời chính bằng composite, dời toàn bộ cụm đà tời chính về bên mạn phải; lắp đặt lại hệ thống máy tời,...
Cho rằng việc ngân hàng kiện đòi nợ đang tạo áp lực rất lớn đối với ngư dân, ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang) trăn trở, hầu hết các ngư dân đều quyết lòng làm để trả nợ, nhưng khai thác không hiệu quả dẫn đến thua lỗ.
"Ngư dân không trả nợ đúng kỳ hạn là họ sai. Nhưng có những tàu làm ăn có thì họ trả, không có thì lấy đâu trả, trong khi nhà cửa cũng đã thế chấp hết rồi. Họ chỉ sống nhờ con tàu đó thôi. Bây giờ ngân hàng khởi kiện, hăm he thu giữ tàu làm nhiều ngư dân hết sức lo lắng, không còn tư tưởng làm ăn, đi biển nữa" - ông Phúc thở dài.