Ngân hàng và ngư dân đang mắc phải mớ bùng nhùng giữa tình và lý trong dự án “tàu 67” tại Quảng Trị.
Đầu tháng 3/2016, lãnh đạo địa phương và đông đảo ngư dân chứng kiến chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên được đóng theo “dự án 67” chính thức hòa mình vào biển, sẵn sàng cưỡi sóng ra khơi mang về cá bạc đầy khoang.
“Tàu 67” góp phần làm nên báo cáo đẹp
Ông Đoàn Văn Dũng, Kp 5 - Thị trấn Cửa Việt - Gio Linh, chủ con tàu mang tên Tiến Dũng 01 hồ hởi: “Tôi rất mừng khi được sở hữu chiếc tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là phương tiện để đánh bắt khơi xa, làm kinh tế cho gia đình, tạo việc làm cho lao động, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”
Thành công bước đầu thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương, đó là những thông tin ngư dân Quảng Trị liên tiếp trúng mẻ cá lớn được loan đi.
Điển hình như VTV đã kịp thời làm một phóng sự thực tế báo tin mừng ngư dân Nguyễn Văn Trọng, chủ tàu Trọng Tấn 01 ở Thị trấn Cửa Việt - riêng trong năm 2016 thu về 3 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí ông Trọng trả nợ 1 tỷ đồng cho ngân hàng.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị còn cho thấy, đến tháng 11/2017 sản lượng đánh bắt thủy sản ước đạt 29.000 tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các tàu đánh bắt xa bờ đóng góp tới 40% sản lượng.
Năm 2018, sản lượng đánh bắt ước đạt 24.119 tấn, đạt 102,9% kế hoạch đề ra, tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ; Mới đây, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn đạt 13.000 tấn - vượt kế hoạch đề ra.
Vì sao số liệu báo cáo luôn cho thấy bức tranh kinh tế biển ở Quảng Trị rất xán lạn, trái ngược với lời thở than của ngư dân? Phải chăng đó là lý do để người dân thoái thác món nợ quá lớn?
Theo đánh giá từ Chi cục Thủy sản Quảng Trị, 6 tháng đầu năm 2019 thủy sản xuất hiện nhiều, nhất là cá thu, cá ngừ, cá nục và cá cơm kết hợp với thời tiết cơ bản thuận lợi cho việc khai thác.
Vì sao số liệu báo cáo luôn cho thấy bức tranh kinh tế biển ở Quảng Trị rất xán lạn, trái ngược với lời thở than của ngư dân? Phải chăng đó là lý do để người dân thoái thác món nợ quá lớn?
Ngư dân “không có thiện chí trả nợ”?
Ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc BIDV Quảng Trị thông tin, Ngân hàng đã có nhiều lần làm việc với các chủ tàu nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng cũng tìm giải pháp thu hồi nợ. Tuy nhiên, tâm lý ngư dân nghĩ rằng đây là vốn tài trợ của Chính phủ chứ không phải vốn vay của Ngân hàng Thương mại!
Phải chăng đã đến lúc lật lại hồ sơ xem báo cáo đánh giá tiền khả thi dự án? Về việc này ông Hà cho biết: “Trước khi lập dự án cho vay, Ngân hàng đã tính toán sản lượng, trữ lượng, căn cứ vào số liệu chung của thống kê và Chi cục Thủy sản. Theo đó, năm 2017 việc khai thác cá thu, ngừ diễn ra rất tốt, hơn nữa số lượng tàu không phải quá nhiều”.
Về những khó khăn mà ngư dân phản ánh, ông Hà bày tỏ, chúng tôi chia sẻ với thực tế này, nhưng Ngân hàng không có công cụ để kiểm soát doanh thu khai thác được vì ngư dân có thể bán cá ngoài khơi hoặc cập cảng ở nơi khác.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 07/09/2019
15:30, 01/08/2019
17:18, 07/07/2018
Đối với những tàu làm ăn hiệu quả mà không có thiện chí trả nợ thì Ngân hàng phải xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đây đến cuối năm nếu các bên không có ý kiến gì, BIDV sẽ làm việc với dân một lần nữa để đưa ra quyết định kiện hay không kiện ra tòa.
Khi được hỏi, sẽ thế nào nếu Ngân hàng và ngư dân ra tòa? Vị Phó Giám đốc trăn trở: “Chúng tôi thật sự không mong muốn xảy ra viễn cảnh này. Cùng với chủ trương của Chính phủ, BIDV muốn tạo sinh kế, bám biển, vừa thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, rất mong muốn ngư dân cùng đồng hành với chúng tôi. Nếu có khó khăn, ngư dân nên phản ánh trung thực, đúng bản chất”.
Vì sao có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Thực hư câu chuyện này ra sao? Diễn Đàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.