Tàu đóng theo Nghị định 67/2014 nằm bờ: Liệu có “đem ngư dân bỏ chợ”?

Nguyễn Hoàng 07/07/2018 17:18

Các bên liên quan đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng ngư dân Trần Văn Liên gánh hậu quả đến mức tán gia bại sản, lâm vào đường cùng.

Như vậy, liệu cơ quan chức năng thực thi Nghị định 67/2014 của Chính phủ có “đem ngư dân bỏ chợ”? Như DĐDN đã có loạt bài về những còn tàu đóng theo Nghị định 67/2014 phải nằm bờ. Ngư dân Trần Văn Liên trú tại thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) kiện 2 Cty đóng tàu 67 cho mình ra tòa như chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đừng đẩy ngư dân vào đường cùng: Đề nghị chuyển tàu cho chủ mới

    17:31, 07/06/2018

  • Đừng đẩy ngư dân vào đường cùng

    17:00, 30/05/2018

br class=

Con tàu 67 của ông Liên phơi mưa nắng hơn 3 năm nay

“Con kiến đi kiện củ khoai”

Nhận đinh trên không phải là không có lý, bởi đã hơn 2 năm trôi qua với hàng loạt các phán quyết của tòa, đến giờ này vẫn chưa minh định ai thắng, ai thua và quyền lợi của lão ngư dân Trần Văn Liên vẫn chưa có gì bảo đảm.

Vụ án bắt đầu từ ngày 18/9/2015, ông Liên và Cty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép QNa-94679 TS, trị giá hơn 15 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của BIDV theo Nghị định 67.

Đến ngày 29/3/2016, tàu QNa-94679 TS của ông Liên bị hư máy khi chuẩn bị chạy thử. Cty Bảo Duy (đơn vị đóng tàu) và Cty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị cung cấp máy - đóng tại Hà Nội) đổ lỗi cho nhau buộc ông Liên khởi kiện cả 2 cty ra tòa. Ngày 30/8/2017, TAND TP Tam Kỳ buộc Cty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Không chấp nhận phán quyết của tòa, Cty Bảo Duy kháng án phúc thẩm.

Ngày 30/1/2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Cty Bảo Duy, buộc Cty Liên Á hoàn trả cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng. Không đồng tình với bản án, Cty Liên Á làm thủ tục giám đốc thẩm, chưa chịu trả tiền cho ông Liên. Đến ngày 30/3/2018, Cty Bảo Duy gửi đơn kêu cứu vì ông Liên "không chịu nhận tàu".

Vụ án kéo dài và ngày càng đi vào bế tắc với những kháng cáo của các bên liên quan. Đến ngày 24/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu hoãn thi hành bản án phúc thẩm ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh Quảng Nam trong vòng 3 tháng.

Vụ án vẫn chưa minh định ai thắng ai thua. Chỉ có ông Liên là thua trắng. Từ một ngư dân ăn nên làm ra, kết quả sau hơn 2 năm đeo đuổi vụ kiện đòi quyền lợi, ngư dân Liên trắng tay.

Tiếp đó, ngày 30/5/2018, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển tàu QNa-94679 TS cho chủ mới dù ông Liên không chịu. Không chỉ có vậy, từ một người đi kiện các công ty đòi bồi thường cho mình, ông Liên lại đang đối mặt với vụ án mới khi vào ngày 27/6/2018, BIDV Quảng Nam thông báo khởi kiện vợ chồng ông ra tòa.

Đã trắng tay còn bị kiện

Trò chuyện với PV, ngư dân Trần Văn Liên nói như khóc rằng, vợ chồng tôi được chọn giao đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Ngân hàng bảo vốn đối ứng, vợ chồng tôi bán con tàu nhỏ, cầm cố nhà cửa vay thêm anh em để làm vốn đối ứng. Tàu đóng xong, máy tàu hỏng do lỗi bên cung cấp máy, tôi phải kiện ra tòa đòi quyền lợi, vợ chồng tôi đâu có sai.

Ông Liên bảo vừa mới nhận được thông báo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam, cho biết sẽ khởi kiện vợ chồng ông ra tòa. Cụ thể, trong văn bản do Phó giám đốc BIDV Quảng Nam bà Vũ Thị Tố Nga ký cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngân hàng BIDV cho ông Liên vay với tổng số tiền đã giải ngân hơn 7,6 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa-94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.

Theo BIDV Quảng Nam, ngoài số tiền gốc hơn 7,6 tỉ đồng, ông Liên còn nợ tiền gốc quá hạn 102 triệu đồng, nợ lãi quá hạn hơn 336 triệu đồng,... BIDV Quảng Nam cho rằng, hiện ông Liên không còn nguồn thu nhập để trả nợ cho ngân hàng và phía BIDV Quảng Nam cũng đã đề nghị ông Liên tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi nợ nhưng không nhận được sự hợp tác. BIDV Quảng Nam sẽ tiến hành khởi kiện đối với vợ chồng ông Liên ra tòa về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Ngư dân Trần Văn Liên cho biết, để có hơn 750 triệu đồng đối ứng để được BIDV cho vay hơn 15 tỉ đồng (theo hợp đồng ban đầu) đóng con tàu theo Nghị Định 67 trên, vợ chồng ông Liên phải bán con tàu cũ và vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng. Đến khi tàu đóng xong, ông tiếp tục cầm sổ đỏ ngôi nhà vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi. Vì máy tàu không chạy được nên hết cửa kiếm sống, đến đường cùng ông Liên bảo chỉ có con đường chết mới hết nợ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tàu đóng theo Nghị định 67/2014 nằm bờ: Liệu có “đem ngư dân bỏ chợ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO