Nghiên cứu - Trao đổi

Gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 4: Cần có chế tài đủ mạnh với tàu cá “3 không”

Hương Giang 26/10/2024 00:06

Việc thiết lập chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm với tàu cá “3 không” là nhiệm vụ tiên quyết, góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam ổn định và bền vững.

tau-ca-3-khong.jpg
Lực lượng Biên phòng kiểm tra giấy tờ của tàu cá, thuyền viên trước khi xuất bến. Ảnh: Duy Tuấn

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Nam Miền Trung, hơn 7 năm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm mục đích gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thuỷ sản Việt Nam, nhưng kết quả tính đến thời điểm hiện tại vẫn không đạt như kỳ vọng.

Cần có chế tài đủ mạnh

“Mặc dù có rất nhiều cuộc họp chỉ đạo từ trung ương tới địa phương đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Kết quả báo cáo của các địa phương vẫn còn những trường hợp chưa tuân thủ trong hoạt động khai thác; các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến, chưa nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu đối với tàu cá “3 không” (tàu cá không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép - PV), ông Hoàng Anh nêu.

Cũng theo ông Hoàng Anh, để xử lý dứt điểm có lẽ cần phải có chế tài đủ mạnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Song, để làm được điều này trước tiên cần gắn trách nhiệm của các địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển, đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ công tác quản lý hoạt động của tàu cá ở cảng cá và trên biển; hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị VMS; quản lý chất lượng thiết bị VMS; xử lý các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến.

“Việc thiết lập chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm với tàu cá “3 không” là nhiệm vụ tiên quyết, góp phần phát triển ngành thủy sản ổn định và bền vững”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Liên quan tới góc độ quản lý địa phương, ông Nguyễn Khắc Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 309-KH/TU với 4 nội dung chính. Trong đó, tập trung các nội dung như: chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ đối với những tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số điểm khó khăn, tồn tại mà Ninh Thuận cần phải tập trung để thực hiện theo các khuyến cáo của EC, như: hiện vẫn còn một số tàu cá “3 không”; tàu cá mất kết nối trên 6 tháng; còn nhiều tàu cá dưới 15 mét chưa được gia hạn giấy phép”, ông Lâm nói.

Xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không”

Cũng theo ông Lâm, hiện nay, UBND Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát và thực hiện đăng ký lại, xử lý dứt điểm đối với những tàu cá “3 không”. Về vấn đề tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và lực lượng chức năng kiểm tra tuyền truyền, xác định cụ thể vị trí tàu cá, lý do không bật thiết bị giám sát hành trình, đồng thời trong thời gian tới tỉnh tăng cường tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 49/CĐ-TTg.

Đối với nhóm tàu từ 6 đến dưới 15 mét đang hết hạn giấy phép, hiện nay Ninh Thuận đang tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu gia hạn giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời kiên quyết không để nhóm tàu này tham gia khai thác thủy sản trên biển.

Nêu những tồn tại đối với tài cá “3 không”, Thiếu uý Tô Minh Hiếu - Phó Thuyền trưởng Tàu CSB 4033, BTL Vùng Cảnh sát biển 4, cho rằng chống khai thác hải vi phạm IUU là một nhiệm vụ rất là quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát biển trong nỗ lực gỡ thẻ vàng về hải sản. Do đó, công tác tuyên truyền cho bà con hiểu được tầm quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng lần này không chỉ vì ngành thuỷ sản mà còn liên quan tới đời sống của ngư dân. Đồng thời, động viên bà con vươn khơi đánh bắt nhưng tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Cũng theo Thiếu uý Tô Minh Hiếu, trong quá trình tuần tra, mặc dù không phát hiện tàu cá vi phạm IUU, đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài, tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều lỗi vi phạm khác, như: thiếu giấy tờ, chứng chỉ hành nghề của các thuyền viên. Đây là những lỗi phổ biến nhất mà ngành chức năng thường xuyên phát hiện tại vùng biển giáp ranh.

Đồng quan điểm, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu chúng ta không ngăn chặn tàu vi phạm IUU thì chắc chắn khó gỡ được thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu. Mà địa bàn Tây Nam bộ là địa bàn trọng điểm. Đa số các vụ xảy ra, bị nước ngoài bắt giữ thường tập trung ở khu vực này.

“Mặc dù quan điểm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Quốc phòng nhận thấy rằng gỡ thẻ vàng chỉ là câu chuyện trước mắt, song, quan trọng nhất vẫn là duy trì sự phát triển bền vững của ngành khai thác thuỷ sản, đảm bảo khai thác cân bằng với quyền lợi của người dân", ông Dương Văn Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 4: Cần có chế tài đủ mạnh với tàu cá “3 không”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO