Khoảng 3 năm nay hàng nghìn tấn rác thải chất tại khu đất sát chân đê Thái Bình, P. Hải Tân, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đến nay chưa được xử lý dứt điểm, khiến người dân bức xúc.
>>>Hải Dương: Công bố 3 doanh nghiệp không triển khai dự án, để đất hoang hoá
Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình thuộc phường Hải Tân, TP. Hải Dương được kỳ vọng là khu đô thị sinh thái bậc nhất của tỉnh. Khu đô thị này triển khai từ năm 2018, được xây dựng trên nền bãi rác Nam Soi, khu vực chứa rác thải của tỉnh Hải Dương trong nhiều năm. Năm 2011, bãi rác Nam Soi bị đóng cửa nhưng lượng rác thải tồn đọng tại đây không biết bao giờ sẽ được xử lý dứt điểm.
Được biết, bãi rác Nam Soi giao cho Công ty TNHH Hoàng Huy Hải Dương xử lý loại bỏ hoàn toàn bãi rác khỏi vị trí hiện có, kể cả số lượng rác đã chôn lấp. Theo tính toán của Công ty TNHH Hoàng Huy Hải Dương, số rác thải cần xử lý di chuyển là khoảng 294.000 m3. Sau nhiều năm tiến hành xử lý, hiện vẫn còn hàng nghìn tấn rác (chủ yếu là ni-lông) được đóng thành từng khối hình vuông vẫn chưa được di chuyển khỏi khu vực này.
Hiện, số rác này không được che chắn, các kiện nilon đặt trực tiếp trên nền đất, xếp thành những “bức tường” cao từ 3-4m, dài từ vài chục đến hàng trăm mét. Khi trời mưa, nước ô nhiễm từ đây chảy ra, nắng lên thì bốc mùi hôi khiến người dân khu vực bức xúc.
Trước đó, Công ty Huy Hoàng cũng đã có công văn số 25/2001.CV-HHHD ngày 12/5/2021 giải trình với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết chậm nhất giữa tháng 7/2021 sẽ chuyển toàn bộ lượng nilon đang tập kết đi xử lý.
Được biết, Chính quyền yêu cầu Công ty tập trung có biện pháp chuyển ngay lượng nilon đang tập kết đi xử lý. Nếu sau ngày 20/7/2021 (hoặc ngày khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh) công ty vẫn tập kết nilon không đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Theo ông Phùng Văn Huy, đại diện Công ty Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc này là do, lượng rác thải quá lớn so với mức đánh giá ban đầu (vượt dự kiến gần 2 lần), trong khi đó, người dân về khu đô thị cũng quá nhanh nên việc tiếp tục xử lý phế liệu làm nhựa tái sinh không phù hợp. “Chúng tôi đã đề nghị với các cấp lãnh đạo cho thuê hoặc mượn một khu đất nào đó trong quy hoạch của tỉnh để đơn vị mở cơ sở tái chế nilon nhưng chưa được phê duyệt”.
Đến nay, lượng rác thải khổng lồ này vẫn chưa thể di chuyển, người dân mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc xử lý dứt điểm đem lại môi trường và mỹ quan đô thị cho nhân dân thành phố.
Có thể bạn quan tâm