Trong vòng 5 năm tới, khoảng 840 nghìn chủ doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Đức sẽ phải tìm được người quản lý nếu không buộc phải đóng cửa hoặc bán lại.
Đối với hai anh em trai người Đức điều hành công ty sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới Wirtgen Group, việc bán đi công ty của gia đình không phải một quyết định dễ dàng.
Nếu Jürgen và Stefan Wirtgen tiếp tục điều hành doanh nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tiếp tục làm việc đến năm 2040 khi con của họ đủ lớn để tiếp quản công ty.
“Con chúng tôi còn nhỏ quá. Nếu chờ đến khi một trong hai con của anh em chúng tôi có thể tiếp quản được công việc quản lý, khi đó chúng tôi ít nhất cũng 75 tuổi”, hai anh em nhà Wirtgen chia sẻ với tạp chí doanh nghiệp Forum khi họ hoàn tất thương vụ bán lại doanh nghiệp trị giá 4,6 tỷ euro cho công ty sản xuất máy kéo John Deere của Mỹ vào tháng 6/2017.
Việc phải bán đi doanh nghiệp của gia đình mà chính bố mình đã sáng lập cách đây nửa thế kỷ là một điều thực sự khó khăn, bởi không dễ gì nhìn thành quả trọn cuộc đời của mấy thế hệ về tay người khác, thế nhưng họ hiểu họ không có nhiều lựa chọn.
Trong vòng 5 năm tới, khoảng 840 nghìn chủ doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Đức, được biết đến với cái tên Mittelstand, sẽ phải đối đầu với vấn đề tương tự như anh em nhà Wirtgen, theo khảo sát được thực hiện bởi ngân hàng KfW của Đức.
Khi mà hàng loạt doanh nhân thời kỳ hậu Thế chiến thứ Hai chuẩn bị về hưu, cứ 5 doanh nghiệp Đức thì có 1 doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với vấn đề tìm người quản lý kế vị, hoặc nếu không sẽ phải đóng cửa vào năm 2022.
“Nhóm doanh nghiệp Mittelstand sẽ chịu nhiều tác động bởi những khó khăn trong tìm kiếm thế hệ quản lý tiếp theo”, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng KfW, ông Jörg Zeuner, nhận xét. Việc các doanh nghiệp có giải quyết tốt bài toán người kế vị hay không sẽ có tác động quan trọng đến kinh tế Đức.
Nhóm doanh nghiệp gia đình này mang lại khoảng 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp Đức và khoảng hơn 60% tổng lượng việc làm tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Từ thập niên 1970 đến nay, tỷ lệ sinh tại Đức không ngừng giảm, chính vì vậy, việc tìm người kế vị quản lý doanh nghiệp còn khó khăn hơn nhiều nữa.
Cũng theo số liệu của ngân hàng KfW, khoảng 100 nghìn chủ doanh nghiệp Đức có kế hoạch nghỉ hưu trong hai năm tới hiện chưa kiếm được ai thay thế mình.
Cuộc khủng hoảng thiếu người kế vị của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức đang tạo ra nhiều cơ hội cho các đối thủ nước ngoài cũng như nhà đầu tư tài chính thâu tóm những doanh nghiệp vốn được đánh giá rất cao như Wirtgen.
Nghiên cứu được thực hiện bởi trường St Gallen, một trong những trường kinh doanh hàng đầu Thụy Sỹ, cho thấy riêng Đức có đến khoảng gần 500 doanh nghiệp được coi như dẫn đầu thế giới nhờ vào lực lượng lao động có trình độ cao cũng như những ông chủ có tư duy đổi mới.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng muốn bán. Nhiều những con cháu các thế hệ sau luôn ý thức rõ ràng về việc phải giữ gìn những gì cha ông họ tạo ra.
Có thể xét đến trường hợp anh Benjamin Mayer, Giám đốc điều hành công ty Mayer & Cie, công ty sản xuất máy dệt kim tròn hàng đầu thế giới với doanh thu mỗi năm khoảng 100 triệu euro.
Anh Mayer chia sẻ với Financial Times: “Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn ý thức về việc tôi sẽ làm việc cho công ty một ngày nào đó”.
Anh đã theo học ngành kỹ thuật công nghiệp và sau đó vào làm việc tại bộ phận nghiên cứu của BMW rồi từ năm 2013 bắt đầu làm tại Mayer & Cie tại Albstadt, một thị trấn có 46 nghìn dân ở miền Nam nước Đức.
Khi anh bắt đầu làm việc tại Mayer & Cie, công ty đang khủng hoảng bởi công việc kinh doanh chịu tác động nặng nề do suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 cũng như việc đánh mất thị phần vào tay nhiều đối thủ Trung Quốc. Anh đã nỗ lực và hồi phục được công việc kinh doanh của công ty.
Đối với các chủ doanh nghiệp Đức, có đến 54% người muốn giữ được doanh nghiệp của gia đình mình. Chỉ 42% chấp nhận bán cho người ngoài, theo khảo sát của ngân hàng KfW.