Hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt

NGUYỄN VIỆT 26/10/2018 11:53

Các chuyên gia lo ngại, Việt Nam có thể trở thành “bãi đáp”, nơi trung chuyển của hàng Trung Quốc mượn xuất xứ để xuất sang Mỹ nhằm né mức thuế cao.

Trong bối cảnh đó, hàng hóa từ Trung Quốc rất có thể tìm cách đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác. Khi đó nhiều khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ hứng chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Mỹ.

p/Nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị Mỹ quyết định áp thuế chống bán phá giá mức cao ngất ngưởng 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% với thép Việt.

Nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị Mỹ quyết định áp thuế chống bán phá giá mức cao ngất ngưởng 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% với thép Việt.

Bài học nóng hổi

Nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc. Theo đó Mỹ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mức cao ngất ngưởng 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% với thép Việt. Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế cao trên lên sản phẩm thép từ Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng “những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ”. Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng đây là mức thuế vô cùng cao, gây cản trở doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Mỹ. Ông Sưa khẳng định thực tế, thời gian gần đây Việt Nam không có hiện tượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ. Việt Nam có thể chứng minh xuất xứ thép Việt không phải từ Trung Quốc.

Theo Cục hải quan Mỹ, đang có hiện tượng các doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” hàng hóa của các quốc gia khác, hay nói cách khác là đang biến một số quốc gia khác thành điểm trung chuyển hàng hóa để xuất khẩu sang Mỹ. Thực trạng trên có thể khiến Mỹ tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của các quốc gia có liên quan.

PGS. TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện thương mại Kinh tế quốc tế (ĐHKTQD) bình luận, việc hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” hàng hóa của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam mà không chịu sự trừng phạt của Mỹ là hoàn toàn có thể. Bởi, hiện tại hàng hóa Trung Quốc sau khi điều chỉnh một vài chính sách, hàng hóa Trung Quốc vẫn còn rất rẻ so với lợi thế so sánh với các quốc gia khác. Vì vậy, việc hàng hóa Trung Quốc sẽ phải đưa sang một nước trung chuyển thứ 3 để đóng dấu và xuất ngược trở lại Mỹ là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Còn TS Ngô Công Thành, Phó Cục trưởng Cục quản lý quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đây là chuyện đương nhiên, vì trước khi xảy ra căng thẳng Mỹ - Trung cũng đã có hiện tượng này.

Minh bạch xuất xứ

Vẫn theo ông Lợi, chúng ta vẫn phải tiến hành xử lý từng khâu, từng giai đoạn. Nếu một nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp tục lấy thương hiệu từ phía Việt Nam, họ phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để tiến hành từng khâu, từng giai đoạn sản xuất, chế biến tại Việt Nam. Khi đó mới có thể tránh bị Mỹ điều tra hay trừng phạt.

“Tuy nhiên, sử dụng giải pháp này các doanh nghiệp trong nước cũng phải lưu ý đến các quy định quốc tế về quy định cấp C/O. Trên thế giới cũng như Mỹ đang áp dụng thì phải có 35% giá trị và phải làm ở khâu cuối cùng ở quốc gia đó, thì quốc gia đó mới được quyền cấp C/O”, ông Lợi nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu dệt may vào Mỹ và nỗi lo hàng Trung Quốc

    Xuất khẩu dệt may vào Mỹ và nỗi lo hàng Trung Quốc "đi đường vòng"

    05:10, 05/09/2018

  • Loạn hàng Trung Quốc gắn mác Việt

    Loạn hàng Trung Quốc gắn mác Việt

    06:10, 05/12/2017

  • Tầm quan trọng của lãnh đạo tài chính ngân hàng Trung Quốc đối với các nhà đầu tư

    Tầm quan trọng của lãnh đạo tài chính ngân hàng Trung Quốc đối với các nhà đầu tư

    09:33, 21/10/2017

  • Giảm phụ thuộc hàng Trung Quốc

    Giảm phụ thuộc hàng Trung Quốc

    03:54, 21/02/2017

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM Phạm Xuân Hồng cho rằng sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn ra. Do đó, cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đã báo cáo Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và yêu cầu các đơn vị của Bộ khẩn trương đề xuất giải pháp ứng phó. Theo Bộ trưởng, hoàn toàn có nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nước ta. Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép, tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ bị hàng Trung Quốc đe dọa như dệt may, da giày, đồ gỗ…

“Do đó, cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, cần xem lại các quy định pháp luật, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ trước hàng Trung Quốc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cân nhắc thành lập khu thương mại chung

Mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập bảy khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), một chuyên gia am hiểu về thị trường Trung Quốc nói ông “kịch liệt phản đối việc thành lập khu vực thương mại xuyên biên giới” với Việt Nam. Lý do, theo ông Thành, các khu vực thương mại xuyên biên giới này có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Bởi các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được dán nhãn có xuất xứ từ Việt Nam hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không cần thiết phải thành lập các khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới. Điều quan trọng là hai nước hợp tác giải quyết các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu làm khó doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa luân chuyển thông thoáng. Hơn nữa, thành lập khu kinh tế hợp tác liên quốc gia tốn thêm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO