Một số sản phẩm của Việt Nam được đánh giá cao nhưng lại không có chỗ trên kệ của các chuỗi phân phối lớn mà phải chọn cửa ngách để đến với khách hàng đó là "dạt" về các cửa hàng nhỏ lẻ.
Hàng Việt không hề "yếu"
Theo Bộ Công Thương, qua 9 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hàng Việt đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời góp phần quan trọng để các DN Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường, trong đó có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của khối DN, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với gần 600.000 DN đang hoạt động (trong đó 98% là DNNVV), DN Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% GDP. Đặc biệt có những DN lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia và ngày càng có nhiều DN, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Tuy nhiên, mới đây, một số sản phẩm của Việt Nam được đánh giá cao nhưng lại không có chỗ trên kệ của các chuỗi phân phối lớn mà phải chọn cửa ngách để đến với khách hàng đó là "dạt" về các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong khi đa số các chuỗi phân phối công nghệ lớn hiện nay đều do người Việt nắm giữ.
Điển hình là sự kiện BKAV ra mắt điện thoại thông minh Bphone 3. Sự kiện này được đánh giá tích cực. Với người dùng, sản phẩm có nhiều công nghệ tiên tiến và giá hợp lý hơn rất để đáng trải nghiệm; với nhà sản xuất được đánh giá cao ở nỗ lực theo đuổi xây dựng một sản phẩm công nghệ cao.
Tuy nhiên, con đường phân phối của dòng điện thoại đầy tinh thần quyết tâm lại là 300 cửa hàng nhỏ lẻ trong nước chứ không phải "hoành tráng" tại chuỗi Thế giới di động như sản phẩm tiền nhiệm Bphone 2.
Còn nhớ gần đây, Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam đã phải có ý kiến khi thủy sản vào siêu thị “nội” khó hơn vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) do cách hiểu khác nhau về các mức giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MPRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Rồi cũng có doanh nghiệp than thở đưa hàng vào siêu thị khi siêu thị đòi mức chiết khấu 15-25% khiến họ gần như không thể chào các sản phẩm mới cho siêu thị vì không có lãi. Cá biệt dịp lễ tết mức chiết khấu còn lên đến 30%.
Thiếu một "đầu tàu"
Rõ ràng, ai cũng mong muốn một sản phẩm chứa tâm sức, trí óc và tiền bạc của mình có thể được đặt ở những vị trí trang trọng với lượng khách đến đông đảo như các chuỗi cửa hàng lớn. Việc được trưng bày trong các chuỗi cửa hàng lớn cũng chính là cách khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp.
Còn với các cửa hàng nhỏ lẻ, thua kém các chuỗi cửa hàng lớn cả ở vị trí, độ phủ sóng, cách giới thiệu sản phẩm, nhân viên giao dịch lẫn tiếng tăm... cho đến sự tiện lợi trong khâu chăm sóc khách hàng thì rõ ràng, sản phẩm dù có tốt đến đâu, "chất" đến đâu cũng rất dễ "cô đơn" và khó có thể có doanh thu tốt.
Trong những cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, các câu hỏi kiểu “vì sao doanh nghiệp Việt chậm lớn” liên tục được đặt ra. Từ đổ lỗi cho chính sách, môi trường kinh doanh đến tiềm lực, khả năng quản trị của doanh nghiệp... nhưng có điều ít người nói tới là lý do “Doanh nghiệp Việt cũng ít hỗ trợ nhau”.
“Tác động lan tỏa” là khái niệm vốn chỉ dành để “đo” hiệu quả thu hút đầu tư giữa dự án đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tức doanh nghiệp nước ngoài giúp doanh nghiệp nội. Nhưng “tác động lan tỏa” của những doanh nghiệp thuần Việt với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng nhau liên kết cũng quan trọng không kém.
Dẫu biết rằng khi đã là quan hệ kinh tế thị trường thì mọi giao dịch đều trên cơ sở “thuận mua vừa bán”. Nhưng cách các doanh nghiệp ở vị thế "ông lớn" ứng xử với nhau đôi khi lại vẫn quá khắc nghiệt, không có cơ hội cho những sản phẩm mới, doanh nghiệp mới lớn lên và phát triển.
Tất nhiên, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Việt không thể chỉ dựa vào “lòng yêu nước”, mà phải là “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, chinh phục bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Nhưng khi đã có chất lượng và giá cả cạnh tranh, mà thiếu đi sự hỗ trợ thì cũng khó có thể thành công hoặc chậm thành công. Hơn lúc nào hết, những doanh nghiệp Việt cần kết nối nhau lại để lớn mạnh bởi chúng ta hiểu hơn ai hết, muốn đi xa doanh nghiệp không thể đi một mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam chỉ ra một thực tế: Hiện sự liên kết của các DNNVV còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tự có, ít được Nhà nước hỗ trợ… Chính vì vậy, hiện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Thực tế để doanh nghiệp không thua ngay trên sân nhà, các ngành chức năng cần đẩy mạnh quản lý Nhà nước đối với thị trường, hội nhập và kết nối doanh nghiệp các vùng miền; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị. Mặt khác các doanh nghiệp cũng cần hành động quyết liệt theo hướng trước hết phải có hàng chất lượng cao, có thương hiệu để cạnh tranh với hàng nước ngoài, qua đó đứng vững trong thị trường hội nhập, đáp lại niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.