Mọi sự hy sinh đều được cảm thấy xứng đáng khi nhìn thấy từng bệnh nhân bình phục và được xuất viện, trở về cuộc sống bình thường.
ThS. BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Nỗ lực tìm phương pháp điều trị hậu COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân. Điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động ở hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng, đặc biệt là hình ảnh nữ y, bác sĩ lăn xả vào tâm dịch và tận hiến không biết mệt mỏi. Doanh Nhân đã có cuộc trò chuyện với ThS. BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
- Dịch bệnh còn chưa hết khó khăn thì ngành y tế lại tiếp tục phải đối mặt với thách thức đến từ di chứng hậu COVID-19, trong đó phải kể đến những di chứng về tâm lý cho người bệnh. Tất cả đang khiến cho “cuộc chiến” với dịch bệnh chưa khi biết khi nào ngừng lại, thưa bác sĩ?
Đúng vậy. Các triệu chứng hậu COVID-19 có thể thấy rõ là về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.
Để chỉ ra nguyên nhân của di chứng tâm lý hậu COVID-19, theo tôi, có một vài yếu tố khiến COVID-19 để lại di chứng tâm lý sau khỏi bệnh.
Thứ nhất, những tổn thương trong quá trình điều trị của bệnh nhân giai đoạn cấp tính có thể gây tổn thương tới các tế bào não hoặc các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh, tổn thương hàng rào máu não, tế bào miễn dịch ngoại vi tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng dẫn truyền thần kinh... Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu, không tập trung, hạn chế sáng tạo, giảm khả năng học tập, làm việc...
Thứ hai là tâm lý căng thẳng, áp lực của người bệnh khi mắc COVID-19. Trong một thời gian dài điều trị và cách ly, người bệnh rất dễ căng thẳng, lo lắng thao thức suốt đêm, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm. Họ gặp nhiều vấn đề, như cảm thấy bất ổn khi phải đi cách ly một mình, cảm giác tội lỗi khi vô tình lây bệnh cho người khác, lo người khác đánh giá về mình, sợ xã hội kỳ thị xa lánh, sợ mất việc làm, không có thu nhập...
>>Những bài học sau đại dịch COVID-19
- Đối với những bệnh nhân có biểu hiện của triệu chứng hậu COVID cần làm gì để sớm phục hồi sức khỏe, thưa bác sĩ?
Thứ nhất, cần tập trung cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân bằng việc xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể thao hợp lý. Người bệnh hoàn toàn có thể tự tìm hiểu các hướng dẫn về tập luyện và không cần sự hỗ trợ của các nhân viên y tế.
Thứ hai là tìm các phương pháp thư giãn để phục hồi trạng thái tâm lý ổn định. Thứ ba, người bệnh nên thường xuyên kết nối với người thân, bạn bè thông qua nhiều hình thức để tái thiết các mối quan hệ, chia sẻ những khó khăn đã trải qua.
Bên cạnh đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá mức độ và được các y bác sĩ thăm khám, tư vấn phù hợp, kịp thời.
Điều quan trọng nhất, người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên tập luyện thể thao để giữ cho trạng thái sức khỏe ổn định để sớm bình phục.
- Chắc hẳn trong cuộc chiến COVID-19 vừa qua, bác sĩ đã có rất nhiều kỷ niệm không thể quên được, thưa bác sĩ?
Ngành y tế nói chung và các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quả thực đã trải qua một cuộc chiến vô cùng khốc liệt trong 3 năm vừa qua. Có rất nhiều kỷ niệm, trải nghiệm mà chúng tôi đã cùng trải qua với những cảm xúc vẫn vẹn nguyên cho đến bây giờ. Một trong những kỷ niệm khó quên nhất có lẽ phải kể đến trường hợp một cặp vợ chồng hiếm muộn, rất khó khăn để mang thai nhưng không may, sản phụ mang song thai đã bị mắc COVID-19.
Trong quá trình điều trị, sản phụ có dấu hiệu chuyển nặng, suy hô hấp và phải can thiệp thở máy ECMO. Đây là một trường hợp rất nhiều thử thách khi các bác sĩ ở đây phải vừa kết hợp giữa việc điều trị hồi sức hô hấp cho một bệnh COVID-19 nguy kịch, có đặt nội khí quản, thở máy và ECMO; vừa phải có chiến lược theo dõi, điều trị cho mẹ và 2 đứa trẻ. Các can thiệp thuốc phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tốt nhất cho bệnh và không ảnh hưởng đến thai nhi.
Rất may mắn, sau một thời gian điều trị, sản phụ và 2 em bé đã “vượt bão” COVID-19 thành công. Giây phút ấy, tiếng khóc chào đời của các em bé đã hòa cùng tiếng cười của các y bác sĩ. Đó quả thật là một kỷ niệm, một kỳ tích không thể nào quên.
Giây phút ấy, tiếng khóc chào đời của các em bé đã hòa cùng tiếng cười của các y bác sĩ. Đó quả thật là một kỷ niệm, một kỳ tích không thể nào quên.
- Vâng. Đó là sự vỡ òa niềm vui của các y, bác sĩ. Với chúng tôi cũng không bao giờ quên được những hình ảnh “chiến binh áo trắng” mồ hôi ướt sũng khi khoác trên mình bộ đồ bảo hộ liên tục lấy mẫu xét nghiệm, mệt lả đi sau những đêm trắng… và cảm phục trước những hy sinh thầm lặng, đặc biệt là sự xa cách với người thân trong gia đình, thưa bác sĩ?
Đối với đội ngũ y tế cũng như đối với các y bác sĩ, cuộc chiến giành lấy sự sống của người dân chưa bao giờ ngừng lại. Chúng tôi thường xuyên phải xa gia đình, đặc biệt là trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Có nhiều cặp bác sĩ cùng tham gia chống dịch, thường xuyên phải trực ở bệnh viện, con cái thường xuyên không được gặp bố mẹ.
Thậm chí, mặc dù đã xa nhà một thời gian dài nhưng đến Tết, cả nhà vẫn không được xum vầy. Cuộc chiến kéo dài đã khiến các y bác sĩ cùng toàn thể các thành viên trong gia đình trải qua thời gian xa cách vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, trong hành trình ấy, chúng tôi cũng tìm được niềm vui, sự an ủi từ chính những bệnh nhân của mình. Tất cả mọi sự hy sinh đều được cảm thấy xứng đáng khi nhìn thấy từng bệnh nhân bình phục và được xuất viện, trở về cuộc sống bình thường.
Là một bác sĩ và cũng là một người mẹ, người vợ trong gia đình, thật may mắn vì tôi luôn có “hậu phương vững chắc” phía sau. Sự cảm thông và động viên của các thành viên trong gia đình chính là sức mạnh thúc đẩy tôi luôn cố gắng mỗi ngày trên hành trình này.
- Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Có thể bạn quan tâm
01:04, 04/04/2022
01:36, 03/04/2022
03:29, 02/04/2022
01:42, 02/04/2022
00:00, 01/04/2022
05:15, 31/03/2022
05:00, 31/03/2022